Kỷ niệm 52 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973 – 27/1/2025)
Hiệp định Paris – đỉnh cao của nghệ thuật thắng từng bước
Đàm phán Paris là cuộc đối đầu căng thẳng giữa nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và ngoại giao nhân văn của Việt Nam. Và, Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 là lời giải cuối cùng, về cơ bản đáp ứng những đòi hỏi chính trị và quân sự của Việt Nam. Đó là khoa học, nghệ thuật thắng từng bước thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Cục diện “vừa đánh, vừa đàm”
Cuối năm 1965, với những thắng lợi liên tiếp của nhân dân ta ở hai miền đất nước, Đảng ta đã tính đến kế hoạch đàm phán với Mỹ, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Song, ngoại giao chỉ được mở màn và được coi là mặt trận sau Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/1967). Hội nghị khẳng định: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao”. Từ đây, Đảng ta triển khai kế hoạch và quyết định đẩy mạnh đấu tranh quân sự trên cả hai miền, đồng thời đưa ngoại giao thành một mặt trận quan trọng để mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”.
Song, chỉ đến khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 với những tiến công liên tiếp đã làm thay đổi hẳn tình hình theo hướng có lợi cho ta và làm giảm uy thế, sức mạnh quân sự và lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, Tổng thống Mỹ Jonhson mới tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Paris.
Mặc dù phải xuống thang chiến tranh, tuyên bố muốn tìm kiếm hòa bình nhưng phía Mỹ vẫn mưu đồ thương lượng trên thế mạnh. Do vậy, ngày 5/11/1968, khi trúng cử Tổng thống Mỹ, Richard Nixon đã thi hành chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền Sài Gòn, xây dựng đội quân ngụy mạnh để đương đầu với quân giải phóng và chia cắt lâu dài nước Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đường lối nhất quán của Đảng ta là kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến cứu nước trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam sẵn sàng bàn với Mỹ về giải pháp danh dự để Mỹ rút quân khỏi miền Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam.
Ông Lê Đức Thọ đại diện Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Lễ ký tắt Hiệp định Paris (ngày 23/1/1973). Nguồn: Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng |
Đầu năm 1969, Hội nghị Paris bước vào giai đoạn đàm phán bốn bên, nhưng đàm phán chưa đi vào thực chất, căng thẳng, quyết liệt và hầu như không có tiến triển.
Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Trung Hạ Lào năm 1971, tình hình diễn biến ngày càng có lợi cho ta. Nhằm thúc đẩy hơn tiến trình đàm phán, tạo thế mạnh trên bàn hội nghị, theo kế hoạch, ngày 30/3/1972, quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công Xuân - Hè đánh địch trên các hướng Quảng Trị - Thừa Thiên, Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5 đến đồng bằng sông Cửu Long giành thắng lợi, giải phóng một vùng rộng lớn, làm thay đổi lớn so sánh lực lượng, tạo ra khả năng kết thúc chiến tranh.
Chiến thắng về quân sự đã tạo thế cho đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán.
Trận đấu cuối cùng: B52 và Hiệp định Paris
Cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng, bế tắc trong suốt tháng 11 và đầu tháng 12/1972. Lấy lý do Việt Nam giữ lập trường cứng rắn không chịu nhân nhượng, Mỹ chuyển sang dùng sức mạnh quân sự, tiến hành cuộc ném bom bằng máy bay B52 suốt 12 ngày đêm ở Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác mà người Mỹ gọi là “trận bom lễ Giáng sinh”.
Trước tình hình đó, quân và dân Thủ đô Hà Nội chủ động bước vào cuộc chiến chống “Siêu pháo đài bay B52” của Mỹ bằng tất cả sự dũng cảm, ý chí đã làm nên kỳ tích “Điện Biên Phủ trên không”. Chiến công này đã làm sụp đổ hoàn toàn thần tượng bất khả chiến bại của không lực Hoa Kỳ, làm hoảng loạn tinh thần của những người cầm quyền nước Mỹ. Ngày 30/12/1972, Mỹ phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.
Ngày 13/1/1973, Việt Nam và Hoa Kỳ hoàn thành văn bản Hiệp định. Hiệp định tại Paris được ký tắt vào ngày 23/1/1973 và ký chính thức ngày 27/1/1973 gồm bốn bên, giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết là thành quả của quá trình đấu tranh lâu dài, đầy hy sinh, gian khổ của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nhiều năm đã trôi qua song bài học của cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris năm 1973 vẫn còn có giá trị. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong bất kỳ tình huống nào, việc bảo vệ độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mãi là nguyên tắc bất di bất dịch; việc giữ vững lập trường có tính nguyên tắc và vận dụng sách lược mềm dẻo là biện pháp thích ứng với từng tình huống…
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc