Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định Paris và những bài học lớn về đối ngoại hiện nay

05:55, 26/01/2024

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Đây là cuộc đàm phán kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới. Cuối cùng, đúng 12 giờ 30 (giờ Paris) ngày 22/1/1973, tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Clêbe, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Henry Kissinger ký tắt. Ngày 27/1/1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký chính thức.

Văn kiện pháp lý này có những điều khoản quan trọng, đó là: Hoa Kỳ cùng các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh rút khỏi Việt Nam. Nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua tổng tuyển cử thật sự tự do và dân chủ; việc thống nhất nước Việt Nam sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình...

Không lâu sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (còn gọi là Hiệp định Viêng Chăn) cũng được ký kết (tháng 2/1973), mở ra trang sử mới và là tiền đề trực tiếp dẫn đến thắng lợi trọn vẹn của cách mạng Lào vào năm 1975. Hiệp định Paris cũng tạo điều kiện thuận lợi để cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Campuchia tiến lên giành thắng lợi vào tháng 4/1975. Đặc biệt, thắng lợi ấy góp phần mở ra cục diện mới ở Đông Nam châu Á khi quân đội Mỹ rút khỏi khu vực; khối SEATO giải tán; xu thế hòa bình, trung lập trong khu vực phát triển.

Với việc ký Hiệp định Paris, Đảng ta nhận định: “Thắng lợi rực rỡ này là kết quả của hơn 18 năm kiên trì chiến đấu, vượt qua muôn nghìn hy sinh, gian khổ, của bốn mươi triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước ta. Đó là thắng lợi của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, của sức mạnh đoàn kết toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống yêu nước, bất khuất, kiên cường bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam”. Thắng lợi vĩ đại đó đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về đối ngoại hiện nay.

Nhân dân Pháp và Việt kiều chào đón phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến ký hiệp định chính thức tại Paris, ngày 27/1/1973. (Nguồn: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng)

Đó là bài học về sự lãnh đạo tài tình, khéo léo, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế” trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, cần tiếp tục kiên trì, kiên quyết về chiến lược, mềm dẻo, khôn khéo về sách lược; tiếp tục thực hiện trường phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” trong thời đại mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, kiến tạo và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đó là bài học về kiên định độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Khác với Hội nghị Geneve năm 1954 về Đông Dương, cuộc đàm phán ở thủ đô Paris (Pháp) là cuộc đàm phán trực tiếp giữa Việt Nam và Mỹ, không qua trung gian. Việt Nam độc lập, tự chủ quyết định mọi vấn đề trong quá trình đàm phán, cả về nội dung, hình thức, bước đi của đàm phán.

Khẳng định mục tiêu lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm gốc, luôn bất biến trong mọi hoàn cảnh là tư tưởng đúng đắn mà Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán theo đuổi. Đây chính là cơ sở, là cái gốc để chúng ta ứng xử một cách có nguyên tắc nhưng rất linh hoạt, vạn biến trong công tác đối ngoại nhằm đảm bảo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và xây dựng, bảo vệ vững chắc lợi ích của đất nước phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là trong giải quyết mối quan hệ với các quốc gia khác, bảo đảm tính cân bằng trong lợi ích của các bên.

Đó còn là bài học về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Có thể khẳng định, phong trào đoàn kết quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó chính là sức mạnh to lớn, có ý nghĩa quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp để Việt Nam đạt được thắng lợi cuối cùng.

Trong giai đoạn mới, Đảng ta xác định, phát huy sức mạnh nội lực là yếu tố mang tính chất quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng. Xử lý đúng đắn, hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia dân tộc và trách nhiệm quốc tế. Tuy nhiên, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại phải luôn linh hoạt, thích ứng với các xu thế vận động của thế giới, nhưng trên hết phải phát huy nguồn lực tổng hợp với nguồn lực nội tại, giữ vững mục tiêu, nhiệm vụ và lợi ích quốc gia để đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc