Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng

09:06, 08/01/2025

Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã tiếp tục khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng.

Ngày 20/11/2018, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019), kế thừa những ưu điểm của Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012; tiếp thu, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới.

Đáng chú ý, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh, có bước tiến mạnh mẽ, đột phá; các cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực, phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giám định, định giá tài sản; nhiều việc hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai có hiệu quả các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát. Các vụ án đưa ra xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, không có oan sai, không bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao…

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk dự hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trong 5 năm qua, ngành Thanh tra cả nước triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính, gần 935.200 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành, qua đó, đã phát hiện vi phạm về kinh tế trên 658 tỷ đồng, 28.321 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 560.000 tỷ đồng và hơn 5.500 ha đất; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng vi phạm pháp luật...

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2020 - 2024, cả nước cũng có trên 2 triệu người kê khai tài sản, thu nhập; hơn 37.100 người được xác minh tài sản, thu nhập; 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật và 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng…

Đoàn Thanh tra - Sở Nội vụ thanh tra công tác cải cách hành chính tại Sở NN-PTNT. Ảnh: Đ. Lan

Tại Đắk Lắk, triển khai thực hiện Luật PCTN năm 2018, các cấp, ngành trong tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, tiêu cực. Hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực cũng chủ động, tích cực và hiệu quả hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn cho biết, trong 5 năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai 265 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và PCTN tại 304 đơn vị. Qua đó, đã kịp thời kiến nghị xử lý về hành chính đối với 25 tập thể, 57 cá nhân có sai phạm. Từ năm 2020 đến nay, các cơ quan điều tra phát hiện 56 vụ việc/119 đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tham nhũng; khởi tố 42 vụ/96 bị can với tổng số tiền trên 13,1 tỷ đồng; chuyển viện KSND truy tố 42 vụ/96 đối tượng. TAND tỉnh đã thụ lý 31 vụ/68 bị cáo, đã xét xử 29 vụ/52 bị cáo về tội tham nhũng…

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, công tác phát hiện và xử lý tham nhũng từ Trung ương đến địa phương được chỉ đạo, thực hiện bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Những kết quả này là minh chứng cho ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong cuộc chiến PCTN tiêu cực không ngừng, không nghỉ.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc