Multimedia Đọc Báo in

Thanh lọc bộ máy và xây dựng Đảng vững mạnh

09:06, 08/01/2025

Trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không ngừng không không nghỉ của Đảng, Nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát, điều tra xử lý và thu hồi tài sản tham nhũng, kiểm soát quyền lực… được xem là “biệt dược” góp phần thanh lọc bộ máy và xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

♦ Chánh Thanh tra tỉnh Đinh Xuân Hà:

 Chú trọng kiểm soát quyền lực

Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò trách nhiệm của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ các cấp; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, đặc biệt, phải có cơ chế kiểm soát được quyền lực.

Đây là yêu cầu khách quan trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước pháp quyền, đồng thời cũng là giải pháp trọng yếu để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, việc hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách, pháp luật trên mọi lĩnh vực, trong đó chú trọng thiết chế kiểm soát quyền lực Nhà nước là những yêu cầu, đòi hỏi tất yếu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Kiểm soát quyền lực được thực hiện trên rất nhiều phương diện như: kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn; kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các thiết chế dân chủ, nhất là thiết chế dân chủ ở cơ sở...

♦ Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp Trần Ngọc Nhung:

Tăng cường kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm

Công tác kiểm tra, giám sát đóng vai trò quan trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa từ sớm, từ xa các vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp một cách có trọng tâm, trọng điểm, theo kế hoạch, thì cần chú trọng kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Với tinh thần quyết tâm và phương châm phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, ủy ban kiểm tra các cấp cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, đơn vị liên quan, để giải quyết kịp thời các vụ việc tồn đọng, phát sinh, nổi cộm ở địa phương. Bên cạnh đó, để có thể phòng ngừa từ sớm, từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, hoạt động kiểm tra giám sát cần bám sát lĩnh vực, địa bàn, kịp thời kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

♦ Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Vũ Tuấn Anh

Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng

Việc thi hành án đối với các bản án về tham nhũng đã được hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, do số tiền thất thoát trong các vụ án tham nhũng lớn nên hiệu quả thu hồi về tiền không cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong đa số các vụ án tham nhũng còn thấp so với số tiền phải thu hồi.

Để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác hỗ trợ quá trình thu hồi tài sản tham nhũng và hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân theo hướng minh bạch, công khai và mở rộng diện kê khai tài sản; thể chế hóa kịp thời vai trò, thẩm quyền của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự; có cơ chế xử lý tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng nhằm tránh việc tài sản bị hư hỏng, xuống cấp. Tăng cường hơn nữa biện pháp quản lý, truy tìm tài sản tham nhũng đã được tẩu tán…

Nhóm PV (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc