Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV
Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025: Biến “điểm nghẽn” thành đột phá
Chiều 15/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành nội dung tờ trình Đề án; đồng thời nhấn mạnh, trong năm 2025, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong khó khăn, thách thức cũng có những thời cơ mới có thể xuất hiện.
Do vậy cần chủ động nắm bắt, khai thác tối đa mọi cơ hội, nguồn lực; để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% thì cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân phải nỗ lực hơn 100%. Cùng với đó là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao công tác tổ chức thi hành pháp luật.
![]() |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Đại biểu nêu rõ, theo đánh giá của Chính phủ, thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển, một số cơ chế, chính sách chậm sửa đổi; phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập hạn chế.
Đại biểu đề nghị đưa ra giải pháp tháo gỡ để không còn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nữa mà là “đột phá của đột phá”, kiến tạo không gian phát triển mới.
Bên cạnh đó tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; có giải pháp để gắn trách nhiệm thực hiện, đổi mới quản lý đầu tư công, bảo đảm giải ngân số vốn đầu tư công đã giao dự toán và bổ sung.
Mặt khác, tăng cường chính sách tài khóa, vốn đầu tư. Thực hiện chủ trương lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư; cần chấm dứt hạn chế, tồn tại trong giải ngân đầu tư công.
![]() |
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Một số đại biểu cho rằng cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ với các dự án năng lượng tái tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần tạo đột phá, tăng năng suất lao động…
Quan tâm đến phát triển doanh nghiệp, đại biểu cho rằng, cần có sự phối hợp, liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp FDI, hộ kinh doanh được đánh giá qua nộp thuế, bảo vệ môi trường, đóng góp xã hội, từ thiện, văn hóa…
Đặc biệt tập trung doanh nghiệp vừa vì đây là lực lượng có thể đầu tư hỗ trợ phát triển, quan trọng nhất là doanh nghiệp công nghệ; đồng thời gỡ bỏ các nút thắt của dự án vi phạm hoặc vướng luật trên tinh thần vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…
Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu cũng thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc