Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV

Tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số

19:34, 14/02/2025

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 14/2, các đại biểu thảo luận tại tổ; trong đó nhiều ý kiến tập trung đề cập đến Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. 

Các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đề án bổ sung về phát triển KT-XH năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Việc Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh tăng mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ góp phần củng cố, tạo nền tảng vững chắc để đạt được tăng trưởng hai con số, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.

Khẳng định năm 2025 là cột mốc rất quan trọng, đặc biệt đây là năm nước rút, về đích, hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn 2026 - 2030, hướng tới hoàn thành thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới; để đạt được mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng các giải pháp ngắn hạn cần được triển khai khẩn trương. Các bộ, ngành, địa phương cần phát huy sự chủ động, đổi mới sáng tạo, đột phá và quyết tâm cao để triển khai kịp thời, hiệu quả.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn
Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đắk Lắk, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hậu Giang tham gia thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: quochoi.vn

Theo các đại biểu, hiện nay nước ta có nhiều dư địa để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, tình hình sản xuất, kinh doanh những tháng đầu năm của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Do vậy, đề nghị Chính phủ tập trung phân tích, đánh giá các điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi của Đề án. Đặc biệt, cần đánh giá lại các chỉ tiêu giao cho các địa phương, xác định được thế mạnh để đầu tư chứ không nên cào bằng. Bên cạnh đó cần tập trung phát triển khoa học công nghệ giúp cho năng suất lao động tăng cao cũng như tháo gỡ khó khăn về thể chế.

Bên cạnh đó, cần hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung cắt giảm thực chất thủ tục đầu tư, kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính; theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị thế giới, chính sách của các nước, tìm kiếm, chủ động kiến tạo và khai thác hiệu quả các cơ hội cho tăng trưởng, phát triển.

Đồng thời cần tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa vào khai thác các công trình trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới.

Về nhiệm vụ dài hạn để tạo nền tảng cho năm 2025 tăng trưởng 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng hai con số, một số đại biểu cho rằng cần tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bứt phá như hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 8. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu tham gia thảo luận tại Tổ 8. Ảnh: quochoi.vn

Chính phủ cần bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025 một cách linh hoạt, hiệu quả.

Đại biểu cũng cho rằng, năng lực nội sinh của nền kinh tế mà đại diện là thành phần kinh tế tư nhân vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Để phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực nội sinh. Do vậy, cần tận dụng đầu tư công và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để tạo động lực cho khu vực kinh tế trong nước, khơi thông nguồn lực, xoá bỏ cơ chế "xin - cho", có giải pháp cụ thể để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án đầu tư công.

Cùng với đó, cần có những chính sách để chống lãng phí trong triển khai các dự án; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, có độ mở; tập trung hỗ trợ hiệu quả các động lực tăng trưởng về xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước trên cơ sở phân tích rõ sức ép cạnh tranh mạnh trong xuất khẩu, hàng rào thương mại, thuế quan; gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm vấn đề về an toàn nợ công, bội chi ngân sách, kiểm soát lạm phát…

Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nô nức lên đường theo tiếng gọi non sông
Sáng 13/2, hơn 3.000 thanh niên ưu tú của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Đắk Lắk lên đường nhập ngũ. Trong không khí nô nức, phấn khởi, tất cả các tân binh đều tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ.