Đắk Lắk - Phú Yên, kết nối rừng và biển
Trong ký ức của các bậc lão thành cách mạng từng trải qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, tình cảm gắn bó máu thịt giữa Đắk Lắk và Phú Yên được đúc kết trong câu thơ dung dị mà sâu nặng nghĩa tình: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng/ Ai thương Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”.
Câu thơ ấy không chỉ là thể hiện nghĩa tình son sắt mà còn gợi mở về một mối liên kết địa lý đặc biệt, nơi đại ngàn hùng vĩ gặp gỡ trùng khơi bao la – mối liên kết "rừng – biển" giữa Đắk Lắk và Phú Yên.
Tiếp giáp về địa lý, Đắk Lắk và Phú Yên từng là hậu phương vững chắc, nơi sẻ chia cho nhau từng hạt gạo, nắm muối, tấc vải, thuốc men trong khói lửa chiến tranh. Phú Yên đã tiếp tế cho chiến trường Đắk Lắk những nhu yếu phẩm quan trọng. Ngược lại, Đắk Lắk với địa thế rừng núi hiểm trở của Tây Nguyên, là nơi để Phú Yên củng cố lực lượng cách mạng. Sự "kết nối rừng – biển" này không chỉ là tuyến đường tiếp vận vật chất mà còn là mạch nguồn nuôi dưỡng ý chí chiến đấu, là minh chứng sống động cho sức mạnh của tình đoàn kết quân dân.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh, người từng trực tiếp tham gia những chuyến băng rừng, lội suối xuống Phú Yên cõng lương thực, thực phẩm về chi viện, hiểu rõ hơn ai hết chiều sâu của mối tình "rừng – biển" này. Theo ông, việc hợp nhất hai tỉnh là một chủ trương hợp lý vì nhiều lẽ. Đó không chỉ là sự tiếp nối tình cảm, truyền thống gắn kết từ kháng chiến, mà quan trọng hơn, là để tạo nên một không gian phát triển toàn diện với sự bổ sung lợi thế giữa núi, biển và văn hóa vùng miền. Đắk Lắk có thế mạnh về đất đai, rừng, phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến từ sản phẩm rừng. Phú Yên lại có lợi thế về du lịch biển, kinh tế biển và cảng biển. Sự kết hợp này sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, thu hút đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng của cả hai địa phương.
![]() |
TP. Buôn Ma Thuột, trung tâm hành chính của tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Gia |
Từ góc nhìn của một người con Phú Yên đã gắn bó và cống hiến cả cuộc đời cho Đắk Lắk, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh) bày tỏ sự tin tưởng vào chủ trương tăng cường liên kết "rừng – biển" trong bối cảnh hiện nay. Ông phân tích: Phú Yên có lợi thế về biển, cảng biển, mở rộng giao thương quốc tế. Đắk Lắk lại có nguồn tài nguyên đất đai rộng lớn với các loại cây công nghiệp chủ lực. Việc kết nối hiệu quả hai lợi thế này không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn củng cố quốc phòng.
Để sự kết nối này thành công, điều cốt yếu là sự đồng lòng, thông suốt trong nội bộ Đảng, chính quyền và nhân dân. Công tác tư tưởng, tuyên truyền cần được làm thật tốt, giải thích thấu đáo để mọi người hiểu và ủng hộ. Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Tô Tấn Tài nhìn nhận, vì trước đây, nước ta cũng có thời kỳ tách, nhập các tỉnh Bình Trị Thiên, rồi Quảng Nam Đà Nẵng, Bình Định Quảng Ngãi, Phú Yên Khánh Hòa, Ninh Thuận Bình Thuận. Nhưng hồi đó có lẽ là thời cơ chưa chín muồi, thứ hai nữa là công tác chuẩn bị tư tưởng cho nội bộ, cho dân chưa tốt nên xảy ra tình trạng một số tỉnh khi nhập lại đã có những vấn đề phát sinh. Trong tình hình mới, chủ trương, chính sách của Đảng thống nhất, chặt chẽ, các cấp, ngành, địa phương chú trọng làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, công tác sắp xếp bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện thì sẽ tốt.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Cao Đức Khiêm nhấn mạnh, đây là một cuộc cách mạng lớn trong công tác tổ chức bộ máy. Để hiện thực hóa tiềm năng từ sự kết nối rừng – biển, cần tập trung xây dựng khối đoàn kết, thống nhất và phát huy tối đa thế mạnh không gian rộng lớn, có rừng, có biển với mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng không gian mở có tính đến sự liên kết giữa các vùng kinh tế và kết nối với cả Duyên hải miền Trung và các tỉnh thành cả nước là vô cùng cần thiết. Ông cũng lưu ý, song song với tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, cần chú trọng công tác cán bộ, nhất là việc bố trí, sử dụng cán bộ, đội ngũ cán bộ có trình độ quản trị giỏi, hiểu và sâu sát thực tiễn, tiếp cận nhanh khoa học kỹ thuật, giỏi về công nghệ, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có bản lĩnh.
![]() |
Phú Yên có tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển. Ảnh: Công Phong |
Đại tá Phạm Quang Hùng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, người có 41 năm gắn bó với quân đội, chia sẻ rằng sự kết nối rừng – biển sẽ tạo ra không gian rộng mở để phát triển mạng lưới giao thông hiện đại, thuận lợi cho giao thương và đi lại. Với bề dày truyền thống, sự kết nối này không chỉ là câu chuyện hành chính mà còn là cơ hội để nhân dân hai tỉnh xích lại gần nhau hơn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Kết nối rừng – biển giữa Đắk Lắk và Phú Yên trở thành một chiến lược phát triển đầy tiềm năng. Khi đại ngàn gặp gỡ biển cả, những lợi thế riêng biệt được bổ sung, tạo nên một không gian kinh tế năng động, một thế trận an ninh vững chắc và một dòng chảy văn hóa giao thoa độc đáo. Để khúc ca giao hòa giữa rừng và biển thêm phần tươi mới và vang vọng, cần có sự đồng lòng, quyết tâm và những bước đi chiến lược từ các cấp lãnh đạo cũng như sự đồng thuận, chung tay của nhân dân.
Quỳnh Anh - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc