Đường đến hòa bình…
Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trên con đường đến hòa bình hôm nay thấm đẫm máu và nước mắt của thế hệ cha anh - những người dâng hiến tuổi xuân, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cận kề sinh tử
Ông Lê Viết Thiết (SN 1950) sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở vùng dinh điền Thăng Đạt, Đạt Lý (nay là thôn Kiên Cường, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột). Năm 1965, khi mới 15 tuổi, ông đã trở thành du kích mật, được giao nhiệm vụ vận chuyển gạo từ trung tâm thị xã về Đạt Lý bằng xe đạp. Thấy Lê Viết Thiết nhiều lần vận chuyển lương thực, địch nghi ngờ nên bắt nhốt ông vào Nhà đày Buôn Ma Thuột. Sau ba tháng liền tra tấn nhưng không khai thác được thông tin gì, địch thả Lê Viết Thiết về. Ông lại tiếp tục theo cách mạng với nhiệm vụ rải truyền đơn, nắm tình hình địch.
Năm 1968, khi Đội biệt động K2 của tỉnh được thành lập, Lê Viết Thiết được đào tạo trở thành một trong những cán bộ trẻ giàu kinh nghiệm tác chiến, mưu trí, dũng cảm. Không hiếm lần ông và đồng đội bí mật tiếp cận các mục tiêu để đánh, tiêu diệt và gây tổn thất nặng nề cho địch; và cũng không ít lần, người lính ấy đứng trước cái chết cận kề.
![]() |
Ông Lê Viết Thiết kể lại năm tháng hào hùng trong chiến đấu. |
Năm 1971, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ tập kích vào trụ sở ấp 3 của địch (trụ sở cũ của UBND phường Thành Công ngày nay). Thời điểm gần nửa đêm, khi tiểu đội bí mật đột nhập gần đến trụ sở thì chó sủa không ngừng. Từ phía lô cốt, địch bắn một loạt súng đại liên khiến một chiến sĩ của ta hy sinh tại chỗ. Quyết chiến với địch, Lê Viết Thiết nhắm thẳng khẩu B40 vào lô cốt địch, sau đó cùng đồng đội tiến đánh vào trụ sở ấp 3. Chiến trận kết thúc, tiểu đội ông đốt cháy trụ sở ấp 3, tiêu diệt 20 tên địch, thu nhiều tài liệu, vũ khí địch. Chiến sĩ hy sinh được đơn vị chôn cất ngay tại trận địa, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Riêng ông bị thương 21%, bị mảnh đạn găm vào bàn tay và trán.
Một lần khác, ông Thiết cũng may mắn thoát chết trong gang tấc. Đó là mùa khô năm 1972, ông cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ bí mật tập kích trụ sở ấp 2 (UBND phường Thành Nhất hiện nay). Đêm ấy, ông cùng 14 cán bộ, chiến sĩ vừa xuất quân tới khu vực suối Đốc Học thì bỗng có tiếng nổ cùng khói lửa mù mịt. Ông quay lại tìm đồng đội thì chỉ thấy người chết, người bị thương. Ông nhanh chóng sơ cứu, băng bó ban đầu cho những người bị thương, sau đó đào huyệt chôn cất 3 đồng đội không may tử trận. Lo cho người mất xong, ông lần lượt cõng từng người bị thương ra khỏi trận địa…
Từng chứng kiến những mất mát trong chiến tranh nên ông Thiết càng thấm thía giá trị của hòa bình. Ông vẫn giữ gìn cẩn thận những tấm bằng khen, giấy khen được tặng thưởng trong chiến đấu, bởi đó không chỉ là một phần của ký ức hào hùng, mà còn là minh chứng cho một thời vượt qua bom đạn để đi đến ngày toàn thắng.
Dâng hiến tuổi xuân
Ở tuổi 75, Đại tá Nguyễn Đức Tính (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk) luôn xem việc vui vầy bên con cháu và đồng đội là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời.
Đại tá Nguyễn Đức Tính quê ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Năm 1971, ông nhập ngũ vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 62 (Sư đoàn Đặc công 305). Hai năm sau, Nguyễn Đức Tính được điều động vào chiến trường Tây Nguyên với vai trò là Trung đội phó thuộc Đại đội 309, Tiểu đoàn Đặc công 401 (Tỉnh đội Đắk Lắk). Những năm tháng lăn lộn trên chiến trường là chuỗi ngày ông và đồng đội đối mặt với muôn vàn gian lao, nguy hiểm. Ông nhớ mãi trận tập kích Đại đội bảo an ngụy tại Km 18, huyện Krông Pắc từng suýt lấy đi mạng sống của mình: “Trận đó, bị ta tập kích nên địch điên cuồng chống trả. Quá trình vận động chiến đấu, tôi bị rơi xuống hố sâu khoảng 4 m. Do cây cối um tùm nên phải nhiều giờ sau, đồng đội mới phát hiện và dùng dây kéo lên trong tình trạng bị thương, chùn cột sống lưng, phải nằm bệnh xá B2 của tỉnh hai tháng liền. Nhiều đồng đội của tôi như anh Lan bị hy sinh, anh Tiếu, anh Hồng bị thương… Giữa chiến trường, có khi mới vừa cùng nhau cầm súng ra chiến trận đã bàng hoàng nhận tin đồng đội hy sinh…”.
![]() |
Đại tá Nguyễn Đức Tính vui vầy bên các cháu. |
Sau ngày giải phóng, bước chân binh nghiệp của ông tiếp tục có mặt trên khắp nẻo đường hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông; cùng đồng đội đi qua những tháng ngày bị bọn phản động Pol Pot - Ieng Sary phục kích... Có lẽ từng chứng kiến nhiều mất mát, hy sinh nên Đại tá Nguyễn Đức Tính luôn trân trọng từng giây phút được sống trong hòa bình, trân trọng quá khứ oai hùng của đơn vị, của đồng đội trong thời chiến.
Với vai trò là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 401, ông thường xuyên gắn kết, tổ chức gặp mặt đồng chí, đồng đội để cùng hàn huyên ôn lại truyền thống anh dũng của Tiểu đoàn. Ông và những người may mắn được sống trong hòa bình của đất nước hôm nay sẽ mãi ghi nhớ về những tháng ngày chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng vẫn luôn vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đường đến hòa bình của những người lính Tiểu đoàn 401 in đậm hình ảnh của hơn 300 đồng chí, đồng đội đã hiến trọn tuổi xuân, góp xương máu vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ mất đi, nhưng mãi mãi sống cùng lịch sử dân tộc, sống trong lòng thế hệ hôm nay, mai sau…
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc