Multimedia Đọc Báo in

Hoạch định tổ chức bộ máy khi hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk, Phú Yên

08:07, 21/04/2025

Cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã chính thức có hội nghị làm việc vào chiều 18/4/2025 để bàn thảo, thống nhất Đề án, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (gọi tắt là Đề án).

“Hình hài” tỉnh mới

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh đã thành lập Tổ phối hợp liên tỉnh triển khai xây dựng và thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên (Tổ phối hợp liên tỉnh) gồm 42 thành viên do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Đào Mỹ làm Tổ phó Thường trực và 4 tổ phó; Tổ giúp việc gồm 20 thành viên.

TP. Buôn Ma Thuột sẽ là trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Đắk Lắk mới. Ảnh: Nguyễn Gia

Theo Đề án, khi hợp nhất hai tỉnh, đối với Đảng bộ tỉnh, về cơ cấu, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư do Trung ương quyết định. Đối với các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy của hai tỉnh sẽ hợp nhất nguyên trạng, trụ sở mới sau hợp nhất đặt tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Hợp nhất các cơ quan Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên, đặt tên là Báo Đắk Lắk với số lượng người hưởng lương từ ngân sách được giao là 220 người, có trụ sở chính tại TP. Buôn Ma Thuột.

Hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ của hai tỉnh thành cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể tỉnh Đắk Lắk, trụ sở đặt tại tỉnh Đắk Lắk. Đối với HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội, sau khi hợp nhất hai tỉnh sẽ thành lập các cơ quan thuộc HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. UBND tỉnh do HĐND tỉnh bầu, trước mắt giữ nguyên số lượng phó chủ tịch UBND tỉnh của hai tỉnh trước khi hợp nhất.

 

“Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk và Phú Yên thống nhất việc xây dựng Đề án theo hướng mở để linh hoạt và chủ động trong việc triển khai thực hiện. Tổ phối hợp liên tỉnh tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh Đề án, trình Chính phủ vào ngày 29/4/2025”.

 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung

Hợp nhất nguyên trạng các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Phú Yên vào các cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk.

Đề xuất giữ nguyên Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên; đổi tên Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên thành Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đắk Lắk, trụ sở ở TP. Tuy Hòa.

Giữ nguyên một số đơn vị sự nghiệp công lập có tính chất đặc thù, hợp nhất nguyên trạng các đơn vị sự nghiệp công lập có tên gọi giống nhau và chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Như vậy, sau khi sắp xếp, các cơ quan, tổ chức trực thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk gồm: 13 cơ quan chuyên môn; 2 cơ quan tương đương sở; 8 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi hợp nhất hai tỉnh, tỉnh Đắk Lắk có trên 18.000 km2 (đạt 226,20% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số trên 3,33 triệu người (đạt 371,07% so với tiêu chuẩn); 101 đơn vị hành chính trực thuộc (tỉnh Đắk Lắk 67 và tỉnh Phú Yên 34); trung tâm hành chính - chính trị đặt tại trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

 An cư để làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cùng khẳng định: Sự hợp nhất của hai tỉnh chính là khơi dậy tinh thần giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong kháng chiến, cùng chung sức dựng xây, phát triển, khẳng định vị thế xứng tầm trong tương lai, xứng đáng với sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người dân và niềm tin của Trung ương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tin tưởng, sau khi hợp nhất, tỉnh Đắk Lắk có quy mô về diện tích lớn thứ ba cả nước, có địa chính trị, địa kinh tế rất quan trọng. Việc sáp nhập tỉnh sẽ mở rộng không gian, dư địa phát triển trong thời gian tới. Yêu cầu của Trung ương về tiến độ rất gấp, khối lượng công việc nhiều, vì vậy cần tiến hành song song các công việc theo kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Cầu vượt đường sắt kết nối hạ tầng Khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa đến các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch ven biển Phú Yên. Ảnh: Ngọc Thắng

Để bảo đảm về nhà ở, điều kiện di chuyển của khoảng 1.000 cán bộ, công chức, viên chức của Phú Yên sau khi sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk đã rà soát nhà công vụ, xây dựng phương án dự kiến bố trí phương tiện làm việc, nhà ở, chế độ chính sách, hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Phú Yên. Tỉnh Đắk Lắk bố trí ngân sách sửa chữa các cơ sở nhà ở với tổng nguồn vốn dự kiến 80,8 tỷ đồng, đến tháng 7/2025 hoàn thành. Dự kiến kinh phí đi lại cán bộ, công chức, viên chức khoảng 1 tỷ đồng/tháng từ ngân sách tỉnh năm 2025 (không tính chi phí xe công phục vụ).

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đắk Lắk – Phú Yên: Chủ động chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính, Đắk Lắk và Phú Yên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập tỉnh. Hội nghị giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được tổ chức tại Buôn Ma Thuột vào chiều 18/4 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình này.