Lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính: Cuộc trưng cầu của niềm tin và trách nhiệm
Từ ngày 19 - 20/4, tỉnh Đắk Lắk đồng loạt triển khai lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình về Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Đây là một bước đi cụ thể hóa chủ trương lớn của Trung ương nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới; đồng thời khẳng định quyền làm chủ của người dân, là thước đo phản ánh mức độ đồng thuận và niềm tin xây dựng chính quyền gần dân, vì dân.
Chủ trương lớn, đồng thuận cao
Ngay trong những ngày đầu triển khai, không khí tại các buôn làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã diễn ra khẩn trương, sôi nổi với nhiều hình thức lấy ý kiến sát thực, sáng tạo và hiệu quả. Phiếu được phát tận tay từng hộ dân hoặc tổ chức họp dân để hướng dẫn cụ thể. Các tài liệu liên quan như dự thảo đề án, kế hoạch lấy ý kiến và mẫu phiếu được công khai rộng rãi trên các kênh Zalo, Facebook cộng đồng dân cư, loa truyền thanh và niêm yết tại nhà văn hóa.
Tại tổ dân phố 7, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), ngay sau cuộc họp triển khai lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã vào 15 giờ ngày 19/4, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố đã nhận phiếu và “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lấy ý kiến đại diện từng gia đình thuộc liên gia 1. Sau khi giải thích rõ chủ trương, định hướng, đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, chị Thảo đã phát phiếu cho đại diện hộ, hướng dẫn cặn kẽ cách đánh dấu vào từng cột; trong trường hợp có ý kiến khác, người dân cần ghi rõ nội dung, sau đó ký, ghi rõ họ tên.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo (bìa phải), thành viên Tổ lấy ý kiến cử tri tổ dân phố 7, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn cho đại diện hộ gia đình cách đánh dấu vào phiếu. |
Không chỉ chị Thảo, các thành viên trong tổ lấy ý kiến cử tri của tổ dân phố 7 đều tranh thủ đi cả buổi chiều, tối ngày 19/4 và sáng ngày 20/4 với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ.
Theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố 7, phường Tân An Nguyễn Đức Chiến, ngay sau khi có kế hoạch của UBND phường về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, cấp ủy, ban tự quản đã tổ chức cuộc họp với Mặt trận, trưởng các đoàn thể, các tổ trưởng liên gia để phổ biến, quán triệt, thành lập tổ lấy ý kiến cử tri. Tổ dân phố cũng huy động thêm lực lượng an ninh cơ sở và dân phòng tại chỗ tham gia.
Đồng thời, thành viên của tổ đã gửi các tài liệu liên quan, mẫu phiếu lên trang Zalo “Cảnh sát khu vực tổ dân phố 7” để các hộ dân trong tổ dân phố tìm hiểu, nghiên cứu trước. Với 6 tổ liên gia, các thành viên trong tổ đã chia theo khu vực, bảo đảm từ chiều ngày 19/4 đến trưa 20/4 sẽ hoàn thành lấy ý kiến của 536 hộ trên địa bàn. Đến 14 giờ chiều 20/4, tổ lấy ý kiến cử tri đã tiến hành phân loại, kiểm phiếu, tổng hợp kết quả để báo cáo cho UBND phường Tân An.
Còn đối với tổ dân phố 6, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), nơi có trên 1.000 hộ thường trú và khoảng 300 hộ tạm trú (trên 6 tháng), những ngày qua, tổ lấy ý kiến cử tri đã tích cực tuyên truyền và sớm phân công nhiệm vụ để vừa lấy ý kiến cử tri tại hội trường tổ dân phố, vừa đến nhà hộ dân trong các hẻm, tuyến đường để lấy ý kiến đại diện hộ gia đình.
Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ lấy ý kiến cử tri tổ dân phố 6, phường Tân Lợi Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết: “Qua tổng hợp các ý kiến, hầu hết nhân dân đồng tình cao và mong muốn cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy sẽ thắng lợi, giúp dân giàu, nước mạnh, đất nước Việt Nam vươn mình tự tin, tự chủ, tự lực và tự hào, tự cường để phát triển về mọi mặt. Người dân rất phấn khởi vì việc lấy ý kiến thể hiện sự dân chủ, công khai, bài bản của quá trình này”.
Kỳ vọng vào một cuộc cải cách hiệu quả
Với trách nhiệm của một người dân và cũng là giáo dân thuộc Giáo xứ Chính Tâm (TP. Buôn Ma Thuột), ông Nguyễn Ngọc Hiên không giấu được sự hồ hởi khi nhận phiếu lấy ý kiến tại nhà.
“Tôi rất đồng tình với phương án sáp nhập. Khi hợp nhất sẽ tạo thành một đơn vị hành chính mạnh hơn, giàu tiềm lực, phát triển bền vững, giúp giảm tải nhiều thủ tục hành chính, giảm chi ngân sách cho bộ máy nhà nước, đồng thời nâng cao trình độ, ý thức, trách nhiệm cũng như cách làm việc của cán bộ, công chức để chất lượng phục vụ nhân dân tốt hơn. Việc lấy kiến nhân dân cho thấy việc tinh gọn tổ chức bộ máy rất sát dân, dân chủ”, ông Hiên phấn khởi nói.
![]() |
Đại diện hộ gia đình đến Hội trường tổ dân phố 6, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) ghi phiếu lấy ý kiến cử tri. |
Không chỉ ở thành thị, quá trình lấy ý kiến cử tri còn ghi nhận nhiều tiếng nói tâm huyết từ các buôn làng, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buôn Trí, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), anh Y Nô Ly Kbuôr chia sẻ: “Tôi đồng tình với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Hy vọng sau này kinh tế buôn làng ngày càng khấm khá, du khách đến nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa bản địa. Lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa…”.
Còn già làng Y Dhun Hmok ở buôn Dur 1, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) cho biết: "Việc sáp nhập hai tỉnh Đắk Lắk với Phú Yên là phù hợp, vì hai tỉnh này đã có nghĩa tình gắn bó trong những năm tháng kháng chiến. Tuy nhiên, cần đầu tư, nâng cấp các tuyến đường, nhất là Quốc lộ 29 để nhân dân hai tỉnh đi lại thuận lợi, giao thương thông thoáng hơn". Già Y Dhun Hmok kỳ vọng, bộ máy của hệ thống chính trị sau khi tinh gọn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tiếp tục đoàn kết nhân dân, triển khai những chính sách lớn về an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời già Y Dhun Hmok cũng đề xuất giữ tên xã Dur Kmăl – một xã anh hùng có truyền thống cách mạng, nơi từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm năm 2018 và trồng cây lưu niệm, được bà con rất trân quý, trở thành biểu tượng của đại đoàn kết các dân tộc. “Tên xã là niềm tự hào, là cội rễ văn hóa, do vậy bà con mong muốn, đối với việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ giữ lại tên xã và đặt trụ sở hành chính của xã mới tại Dur Kmăl…” già Y Dhun Hmok đề nghị.
Việc lấy ý kiến cử tri không chỉ cần thiết về mặt quy trình, mà còn thể hiện tinh thần dân chủ, sát dân, phát huy trí tuệ nhân dân trong tiến trình sắp xếp lại hệ thống hành chính. Tinh thần đồng thuận đang lan tỏa từ thành thị đến buôn làng, từ đồng bào Kinh đến các dân tộc thiểu số. Những lá phiếu đánh dấu “đồng ý” thể hiện sự ủng hộ một chủ trương lớn, đồng thời là thông điệp gửi gắm niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và ngày càng gần dân, sát dân hơn nữa…
Lan Anh - Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc