Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa

07:11, 13/04/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định, để thực hiện thành công công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội... tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến… phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta... Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng thêm gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm việc phi thường”. Vậy nên, “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta”.

 Theo Người, “chìa khóa” để thực hiện thành công công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, trước hết, cần phải tăng cường cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức, “cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được”, “có cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức lao động, mới có thể sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ… muốn cải tiến kỹ thuật, phải biết kỹ thuật. Muốn cải tiến tổ chức lao động cũng phải biết phương pháp tổ chức và có kinh nghiệm tổ chức”.

Hai là, phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, chống lãng phí. Thực tiễn trong sản xuất, những khuyết điểm mà các nhà máy, xí nghiệp vẫn mắc phải, từ đó Bác chỉ ra nguyên nhân, “do quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế còn yếu, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công còn kém”, “cán bộ lãnh đạo kém đoàn kết…., cán bộ còn nặng chủ nghĩa cá nhân, không làm gương mẫu tốt”. Do đó, cần phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, chống lãng phí trong sản xuất, “đảng viên và đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công tác, trong học tập và chấp hành kỷ luật lao động”.

Bác Hồ về thăm khu Gang thép Thái Nguyên năm 1964. Ảnh tư liệu

Ba là, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật cho công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cái chìa khóa của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp, và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu, đi sát, phục vụ sản xuất”. Bởi thực tế, “máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hóa và kỹ thuật thì không thể điều khiển được…, nên việc học tập văn hóa, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết”. “Phải chăm lo học tập văn hóa, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản”.

Bốn là, phải chú trọng học tập các chuyên gia nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, nhất thiết “cán bộ và công nhân ta cần phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia”. “Phải chú trọng học tập kinh nghiệm và tác phong công tác tốt của các đồng chí chuyên gia bạn”, “phải săn sóc và ra sức học tập các đồng chí đó để mau tiến bộ”.

Có thể khẳng định, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa gắn chặt với quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; công nghiệp hóa có định hướng cụ thể, hàm chứa cả nội dung xã hội và giai cấp; mục đích cuối cùng của công nghiệp hóa là đem lại đời sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đây chính là bản chất xã hội của quá trình công nghiệp hóa do giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc