Những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ với đất nước
Đồng chí Lê Đức Thọ là nhà lãnh đạo tài năng của Đảng với những phẩm chất nổi bật: Sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo đường lối với chỉ đạo và tổ chức cụ thể; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính sáng tạo và tinh thần đổi mới trong hành động; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lời nói và việc làm.
Đồng chí xứng đáng là "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", và xứng đáng với những "công trạng to lớn vì Đảng, vì Dân" mà Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tuyên dương.
Góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945)
Đồng chí Lê Đức Thọ, tên chính là Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) trong một gia đình nho giáo, ở vùng đất có truyền thống yêu nước, hiếu học.
Năm 14 tuổi, lên thành phố Nam Định học tập, đồng chí Lê Đức Thọ đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Chu Trinh. 17 tuổi, đồng chí đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến và vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản đảng (tháng 10-1929) khi mới 28 tuổi, thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta.
Đồng chí Lê Đức Thọ tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam năm 1968. Ảnh tư liệu |
Ngày 7-11-1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và ngày 27-1-1931, bị tòa án thực dân kết án tù khổ sai chung thân. Đồng chí đã kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án xuống 10 năm khổ sai và đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại đây đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ Chi ủy nhà tù và Bí thư Chi bộ. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, bọn thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí trở lại quê hương Nam Định, tiếp tục hoạt động cách mạng, gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định, xây dựng đại lý phát hành sách báo để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin; cùng tập thể cấp ủy Nam Định lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân theo hướng đòi dân sinh, dân chủ.
Tháng 9-1939, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt đồng chí và khép tội "phần tử nguy hiểm cho an ninh", kết án 5 năm tù, lưu đày tại các nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội và Sơn La, Hòa Bình. Trong lao tù, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, kiên cường, bất khuất, dũng cảm đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của địch, biến nhà tù thành trường học cách mạng, thành nơi đào tạo cán bộ của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu.
Năm 1944, hết hạn tù, đồng chí được Đảng phân công về hoạt động ở An toàn khu (ATK) của Trung ương, phụ trách công tác đảm bảo bí mật, an toàn cho ATK. Đồng chí đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945 đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Đông Dương, tại Hội nghị đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi.
Khi nước nhà mới giành được độc lập, đồng chí được Đảng giao phụ trách công tác tổ chức Đảng; cùng với một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, vừa chống thù trong, vừa chống giặc ngoài, đồng chí đã chỉ đạo tốt công tác bảo vệ chính quyền, giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Lê Đức Thọ trong thời gian tham gia đàm phán tại Hội nghị Paris. Ảnh tư liệu |
Góp công lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả
Năm 1948, đồng chí Lê Đức Thọ được cử thay mặt Trung ương Đảng trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Đồng chí được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (năm 1949) và sau đó làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (từ các năm 1949 – 1954).
Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí Lê Đức Thọ gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc, là một trong những nhà lãnh đạo có nhiều cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng. Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương cao quý khác; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco. |
Ngay sau khi tới căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Thường vụ Xứ ủy chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy, củng cố và thành lập mới các ban chuyên môn, như: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo, Hoa vận, Khơ-me vận...; cử nhiều cán bộ của Xứ ủy trực tiếp xuống các khu, tỉnh để nắm rõ tình hình và chỉ đạo phong trào; đảm bảo giữ mối liên hệ trực tiếp và thông suốt với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ. Sau khi rời khỏi căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ, đồng chí chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy xây dựng Trường Trường Chinh, mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ tỉnh, khu và là một trong những giảng viên chủ yếu của các lớp huấn luyện, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn đấu tranh cách mạng. Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Đảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những thắng lợi vẻ vang.
Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí Lê Đức Thọ được điều ra miền Bắc công tác và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955), được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (năm 1956). Trong bối cảnh tình hình nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ đã tập trung sức lực, trí tuệ vào việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng; xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền Nam - Bắc.
Trên cương vị là người đứng đầu Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo cất nhắc, điều động cán bộ cho đúng người, đúng việc. Đồng chí nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, không được cậy quyền thế, không lộng quyền.
Năm 1967, đồng chí được cử vào Quân ủy Trung ương. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5-1968, đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh của một nhà chính trị già dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trên cương vị là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me Đỏ gây ra, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Cái bắt tay lịch sử giữa cố vấn Lê Đức Thọ với cố vấn Henry Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris và rời Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber, thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: washingtonpost.com |
Nhà lãnh đạo đa tài
Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở ATK, khi công tác ở miền Nam, khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tạp chí Xây dựng Đảng và có nhiều bài viết sâu sắc về công tác tổ chức của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm nghiên cứu và vận dụng.
Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ đã thể hiện năng lực của một nhà ngoại giao tài ba, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, "vừa đánh vừa đàm", kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao đến cùng với Mỹ kéo dài trong hơn 5 năm tại thủ đô Paris, đã làm thất bại mọi âm mưu và phá sản mọi con bài ngoại giao của Mỹ. Những hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam.
Trải qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Trong hành trình công tác từ Bắc vào Nam, lên các vùng biên giới, đồng chí Lê Đức Thọ đã sáng tác nhiều bài thơ có giá trị, được tập hợp in trong hai tập thơ: "Trên những nẻo đường" và "Nhật ký đường ra tiền tuyến".
Theo Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc