Multimedia Đọc Báo in

Dưới ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga

08:23, 25/11/2021

Ngày 25 tháng Mười năm 1917 (theo lịch Nga), tức ngày 7/11/1917, giai cấp công nhân và nhân dân Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin và Đảng Bônsêvích đã tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga - cách mạng xã hội chủ nghĩa lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và địa chủ, thiết lập chính quyền của nhân dân lao động - Nhà nước Xô viết công nông đầu tiên trên thế giới.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có một cuộc cách mạng xã hội nào có thể sánh được, càng không thể vượt qua được cuộc Cách mạng Tháng Mười về giá trị hiện thực và ý nghĩa thời đại của nó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử xã hội loài người đã được mở đầu bằng một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Kể từ ngày ấy, học thuyết Mác không còn là "một bóng ma ám ảnh châu Âu". Nó đã trở thành hiện thực sinh động trên một lãnh thổ rộng lớn chiếm 16% diện tích đất đai thế giới, biến thành lẽ sống, ước vọng và niềm tin của những người khát khao độc lập dân tộc, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.

Trên đường đi tìm chân lý cho dân tộc, như một sự tất yếu lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin từ một phương diện hết sức thực tế: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Nguyễn Ái Quốc lựa chọn con đường cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”. Sau này, Người đã nêu rõ: ''Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ''.

V.I. Lênin (1870 - 1924) - Lãnh tụ của giai cấp vô sản Nga, người trực tiếp chỉ đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Những bài học mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã được vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nhờ tiếp thu chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin và vận dụng đúng đắn, sáng tạo những bài học có ý nghĩa quốc tế sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười vào thực tiễn xã hội và điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta, nhân dân ta đã tiến bước không ngừng trên những chặng đường dài của lịch sử.

Xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển nhảy vọt, cách mạng nước ta giành được biết bao chiến thắng lẫy lừng, trong đó có những chiến công có tính chất lịch sử toàn thế giới. Đó là những thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi Đảng ta có chưa đến 5.000 đảng viên đã lãnh đạo nhân dân làm cuộc cách mạng “long trời lở đất”, lập nên Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 21 năm trường kỳ, gian khổ kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi của 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới.

Quá trình cách mạng đó, do tầm vóc lịch sử và với ý nghĩa quốc tế trọng đại của nó, đã đưa Đảng ta, nhân dân ta và đất nước ta lên ngang tầm cao của thời đại mới - thời đại thắng lợi của những lý tưởng cao cả: độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên những vấn đề căn bản, có tầm chiến lược, trong đó, vấn đề hàng đầu là kiên định và nhận thức đúng đắn về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới của đất nước và thời đại, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài viết: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Đó là “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã cách xa chúng ta hơn 104 năm. 30 năm đã trôi qua kể từ ngày mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thế giới đã trải qua những biến đổi vô cùng nhanh chóng và phức tạp trong những khoảng thời gian đó. Tuy nhiên, sự thất bại của chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình Xô viết không thể làm lu mờ ý nghĩa lịch sử to lớn của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Thành công của sự nghiệp đổi mới của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa là minh chứng rõ ràng nhất về giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.