Multimedia Đọc Báo in

Vang mãi lời gọi non sông!

10:15, 19/12/2021

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài”, nạn đói hoành hành, khó khăn chất chồng, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Đứng vững trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Đảng ta đã đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm của lịch sử nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, phản động, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng cách mạng.

Với ý đồ xâm lược nước ta một lần nữa, thực dân Pháp mỗi lúc một điên cuồng lấn tới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm hết sức mình để tránh một cuộc chiến tranh đổ máu cho hai dân tộc Việt - Pháp, nhưng khi kẻ thù đã buộc chúng ta phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc thì nhân dân ta không sợ hy sinh, gian khổ, kiên quyết chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

Phát lệnh Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12/1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

Đêm 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Đại diện cho tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, thúc giục toàn dân đứng lên cứu nước: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”.

Tiếp nối hào khí của bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” thời Lý, “Hịch tướng sĩ” thời Trần, “Bình Ngô đại cáo” thời Lê Sơ…, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, truyền thống anh hùng, bất khuất, kiên cường của nhân dân ta; thôi thúc cả nước sục sôi đứng lên chiến đấu, vì độc lập, tự do thiêng liêng của Tổ quốc. Thực hiện lời kêu gọi ấy, quân và dân ta trên khắp mọi miền của đất nước đã đoàn kết đứng lên, anh dũng chiến đấu làm nên những chiến công vang dội, từng bước đánh bại mọi mưu đồ của kẻ thù.

75 năm đã qua kể từ thời điểm toàn quốc kháng chiến, thời điểm không chỉ là sự khởi đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn là sự khởi đầu của cuộc trường chinh chiến đấu và chiến thắng hai đế quốc thực dân lớn với tinh thần sắt son của dân tộc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, làm nên thắng lợi vẻ vang, chấn động địa cầu trong phong trào giải phóng dân tộc trong lịch sử cận hiện đại trên thế giới.

Quân và dân Thủ đô lập chốt chiến đấu tại khu vực chợ Đồng Xuân. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để mỗi người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nhìn nhận rõ hơn một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Trong tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua khi đó, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bình tĩnh, sáng suốt, nhận định đúng tình hình, phát động toàn quốc kháng chiến đúng lúc, khơi dậy và phát huy được tinh thần yêu nước, để dân tộc đứng lên đem hết “tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” quyết giữ vững nền độc lập, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ý chí và quyết tâm đó rất cần được trao truyền và phát huy lên một tầm cao mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.

Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu rõ và Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu này được bắt nguồn từ khát vọng cháy bỏng về chủ quyền quốc gia, dân tộc, khát vọng vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Đó là cơ sở để Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. 

Khát vọng phát triển đã được khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu dân tộc Việt Nam đem hết sức mình đưa đất nước đi tới phồn vinh, hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới.

Đinh Duy Linh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.