Multimedia Đọc Báo in

Những ngày tháng 12 bi hùng năm ấy

06:10, 18/12/2022

Những ngày cuối tháng 12/1972, tôi là một cậu bé nhà quê đang học lớp 8 ở trường huyện.

Tôi có thói quen ngóng đợi cha từ trụ sở Ủy ban hành chính xã sau một ngày làm việc trở về nhà, để háo hức đón nhận từ tay ông những tờ báo Nhân Dân còn thơm mùi mực mới và nóng hổi tin tức thời sự. Có lẽ vì thế mà mọi diễn biến của cuộc kháng chiến ở cả hai miền Nam – Bắc trong những năm tháng ác liệt ấy, tôi đều được cập nhật qua từng bản tin thời sự hay bình luận trên các trang báo.

Tuổi thơ tôi đã có hơn 8 năm sống trong cảnh trên bom dưới đạn, trường lớp phải trải qua 4 lần sơ tán. Nhiều lần chứng kiến cảnh bom đạn tàn phá quê hương, làng trên, xóm dưới tan hoang, lửa cháy ngút trời. Có những đêm B-52 rải thảm chỉ cách nơi tôi trú ẩn vài ba cây số. Lửa bom chớp sáng lóa cả một góc trời. Tiếng bom rền kéo dài, mặt đất rung chuyển như có động đất. Những hình ảnh đó cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Chiến tranh đã khiến cho một cậu bé 15 lớn nhanh trước tuổi để trái tim mình thấu hiểu sâu sắc hơn nỗi thương đau mà người Hà Nội và cả dân tộc này phải gồng mình lên gánh chịu và vượt qua một cách anh dũng trong trận chiến sống mái với quân thù.

Khi Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin, 19 giờ 20 phút ngày 18/12, B-52 Mỹ ồ ạt ném bom Hà Nội, người dân khắp miền đất nước hướng về Thủ đô với bao nỗi âu lo, trăn trở. Rồi hàng triệu con tim bàng hoàng khi được tin Bệnh viện Bạch Mai – bệnh viện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ - bị B-52 san phẳng lúc rạng sáng ngày 22/12. 28 cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh trong khi đang cứu chữa bệnh nhân.

Nhưng tội ác của chúng chưa dừng lại ở đó khi cả khu phố Khâm Thiên đông đúc dân cư bị B-52 nhấn chìm trong biển lửa lúc 22 giờ đêm 26/12/1972. Đêm tận cùng đau thương ấy, 2/3 trong tổng số 278 người bị bom Mỹ giết hại là cụ già, phụ nữ và em bé. 178 cháu trở thành trẻ mồ côi.

Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận chiến 12 ngày đêm. Ảnh: Tư liệu

Ngôi nhà số 51 phố Khâm Thiên chỉ còn là một hố bom, bảy người sống trong ngôi nhà không một ai sống sót. Chính nơi đây sau này, người ta đã dựng lên một đài tưởng niệm với tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và bức tượng bằng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ.

Những ngày cuối tháng 12 bi tráng ấy, không ít những câu chuyện, những hình ảnh đăng tải trên mặt báo ám ảnh lòng người. Đó là bức ảnh về nữ dân quân tự vệ của nhà máy cơ khí Mai Động Phạm Thị Viễn đang trực chiến tại trận địa pháo cao xạ, đầu quấn khăn tang, mắt rực lửa hờn căm. Người nữ dân quân tự vệ tuổi đôi mươi ấy vừa nhận được tin dữ cả cha và mẹ mình đã ra đi trong trận B-52 ném bom hủy diệt phố Khâm Thiên đêm 26/12. Hình ảnh đó của người nữ tự vệ dũng cảm đã gợi cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu, đúng một tháng sau, viết nên những câu thơ xúc động lòng người trong bài "Việt Nam máu và hoa": Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/ Hỡi em gái mất cha mất mẹ/ Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”.

Vài hôm sau, trên trang nhất các báo xuất hiện bức ảnh chụp một cô gái đang tưới hoa tại làng hoa Ngọc Hà nổi tiếng Hà Nội, sau lưng cô là xác “pháo đài bay” B-52 nhô lên trên mặt hồ Hữu Tiệp bị quân và dân ta bắn hạ đêm 27/12. Bức ảnh này cũng là nguồn cảm hứng để Tố Hữu khái quát thành những câu thơ xúc động lòng người trong mùa Xuân chiến thắng của dân tộc: “Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi/Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc/Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người/Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc”.

Trên tờ lịch Tết năm ấy – Xuân Quý Sửu 1973 - bức ảnh lịch sử đó được in trang trọng như muốn chuyển tải một thông điệp tới bầu bạn năm châu: Dân tộc này yêu hòa bình nhưng không sợ chiến chinh.

Có một điều kỳ diệu là mấy chục năm sau, trên thân xác “pháo đài bay” rơi xuống hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà bỗng mọc lên một cây lộc vừng xanh ngắt, mùa hoa về đỏ thắm, sắc đỏ trùm lên chứng tích của đạn bom chết chóc như muốn khẳng định thêm lần nữa khát vọng hòa bình của người dân đất nước này: “Việt Nam ơi, máu và hoa ấy/Có đủ mai sau, thắm những ngày?”.

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.