Multimedia Đọc Báo in

Tư tưởng tiến công trong Đề cương Cách mạng miền Nam

08:15, 27/04/2023

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, với âm mưu quyết biến miền Nam thành một quốc gia chống cộng theo quỹ đạo của Mỹ, đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện các thủ đoạn tàn bạo đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân miền Nam bằng việc mở các cuộc hành quân, bắt bớ những người cách mạng, khủng bố tinh thần quần chúng.

Chúng thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, quyết tiêu diệt hết những đảng viên cộng sản, triệt hạ tận cùng đảng cộng sản.

Từ mùa thu năm 1955 đến mùa thu năm 1956, ở Bến Tre và Sài Gòn, đồng chí Lê Duẩn, khi ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ đã soạn thảo Đề cương Cách mạng miền Nam, trong đó nhấn mạnh: “Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác”. Đây là văn kiện quan trọng hướng dẫn các đảng bộ ở miền Nam kịp thời chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng.

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa họp tại thủ đô Hà Nội năm 1959, xác định con đường đấu tranh cách mạng ở miền Nam. 
Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Bản Đề cương với 24 trang viết tay, gồm 5 phần: Phần I: Ba nhiệm vụ chính của cả nước hiện nay; Phần II: Mục đích, nhiệm vụ và đối tượng của cách mạng miền Nam; Phần III: Yêu cầu và khẩu hiệu của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam; Phần IV: Hình thức đấu tranh và khả năng phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, và phần V: Bài học lịch sử và những nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam.

Đề cương nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”.

Về phương pháp đấu tranh, bản đề cương nêu rõ, hiện nay vừa phải sử dụng đấu tranh hòa bình, vừa phải chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang khi tình hình thay đổi. Trong đấu tranh chính trị có vũ trang tự vệ, đồng thời phải chuẩn bị khả năng để tiến lên đấu tranh vũ trang toàn diện. Để tập hợp, xây dựng và phát triển rộng rãi lực lượng cách mạng miền Nam, đề cương nêu rõ chủ trương xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam. Đề cương cũng nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng cho phù hợp với tình hình cụ thể ở miền Nam.

Trước những diễn biến mới, đầy phức tạp khi ngày 6/5/1959, chính quyền Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “Tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót” gây tổn thất nặng nề cho cách mạng, Xứ ủy Nam Kỳ đã gửi ba bức điện cho Trung ương, trong đó nhấn mạnh: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”.

Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) đã họp tiếp đợt 2 (từ ngày 10 đến 15/7/1959) và thông qua nghị quyết xác định phương hướng cho cách mạng miền Nam, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam trong những năm 1959 - 1960. Nghị quyết khẳng định phải dùng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh đổ chính quyền của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền nhân dân.

ồng chí Lê Duẩn với các cán bộ, dân quân tại chiến khu Đ, năm 1952. Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trong khi đợi Nghị quyết Trung ương 15 được truyền đạt đến, các đảng bộ phía nam khi đó đã chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, hoàn cảnh thực tế cũng như nội dung Đề cương cách mạng miền Nam mà dần tiến hành khởi nghĩa, giải phóng vùng miền núi phía tây các tỉnh đồng bằng, phát động nhân dân phá các khu tập trung của địch, đưa dân trở lại núi rừng, lập căn cứ kháng chiến chống Mỹ – Diệm. Cùng với phong trào đồng khởi trên toàn miền Nam, các cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung Bộ lúc bấy giờ đã góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đơn phương của Mỹ – Diệm, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước sang thời kỳ chủ động tiến công địch, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, trong bối cảnh tưởng chừng bế tắc của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ thì Đề cương Cách mạng miền Nam có giá trị to lớn, mang tính đột phá, khai thông, dấy lên không khí phấn chấn, tin tưởng, tạo ra phong trào đồng khởi mạnh mẽ. Hơn thế, Đề cương còn là tài liệu quý, góp phần chuẩn bị cơ sở tư tưởng, lý luận để Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) đã phản ánh đúng đắn khát vọng của đồng chí, đồng bào miền Nam về chuyển sang đấu tranh vũ trang, bảo vệ thành quả cách mạng.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.