Multimedia Đọc Báo in

Ký ức một thời hoa lửa

08:28, 11/06/2023

Chiến tranh đã lùi xa, những người trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc nay cũng đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy”. Năm tháng qua đi nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong tâm trí các cựu chiến binh…

Vui sao nước mắt lại trào…

Ông Trần Văn Minh với những phần thưởng cao quý.

Tháng 12/1966, tuy chỉ cân nặng 39 kg nhưng chàng thanh niên 19 tuổi Trần Văn Minh (quê Duy Tiên, Hà Nam; hiện trú thôn 10, xã Hòa Lễ, Krông Bông) vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. Sau ba tháng huấn luyện, ông được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 25 trực thuộc Sư đoàn 304. Làm công tác quân y thuộc Tiểu đoàn độc lập của Sư đoàn 304, ông luôn có mặt cùng đồng đội ở hầu hết các chiến trường ác liệt nhất như: Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Con, Làng Bồ, Làng Cát (Quảng Trị)… Ông Minh nhớ mãi trận đánh Khe Sanh năm 1968, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Quảng Trị. Đêm 20/1/1968, pháo binh của Sư đoàn bất ngờ khai hỏa liên hồi vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch, sau đó đơn vị ông Minh và Trung đoàn 66 đánh úp tiêu diệt phần lớn sinh lực địch ở Tà Cơn và làm chủ chi khu Hướng Hóa… Sau những chiến thắng vang dội ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch một bao thuốc Điện Biên và nhân dân Thanh Hóa gửi tặng bánh chưng ăn Tết. Món quà tuy nhỏ nhưng ý nghĩa thật to lớn đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Minh kể: Trong một lần cứu chữa thương binh, có một chiến sĩ bị thương đứt động mạch chủ ở phần bẹn không thể băng bó. Trước tình huống phức tạp, ông đã nhanh tay lấy vội hai chiếc banh kẹp giữ hai đầu động mạch đứt để cầm máu, sơ cứu rồi chuyển về bệnh viện của Sư đoàn. Với sáng kiến đó, ông được Tư lệnh Sư đoàn khen thưởng đột xuất. Ngày 3/9/1969, ông Minh vinh dự được kết nạp vào Đảng.

Với ông Minh, được tham gia và chứng kiến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là ký ức vô cùng thiêng liêng. Ngày 27/3/1975, sau khi giải phóng Huế, đơn vị ông hành quân vào Đà Nẵng. Đi đến đâu cũng được đồng bào đứng hai bên đường tay cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào và mang hoa quả đến cho bộ đội.

Ngày 7/4/1975, toàn quân nhận được bức điện khẩn của Quân ủy Trung ương do Đại tướng Võ Nguyên Giáp thảo với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”. Như một sứ mệnh thiêng liêng, cấp trên ra lệnh làm một cuộc hành quân thần tốc dọc theo duyên hải miền Trung, chỉ hơn 11 ngày, đơn vị ông đã vượt qua hàng nghìn cây số đến Xuân Lộc (Đồng Nai). Tại đây, ông được trang bị 2 khẩu DKZ và một túi thuốc cứu thương nặng 7 kg, tác chiến theo cách đánh “xáp lá cà”. Suốt 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, hai bên đều bị tổn thất lớn.

Sau khi ta làm chủ Xuân Lộc, đơn vị ông Minh lại tiếp tục tiến về Sài Gòn. Lúc này, ông là Thượng sĩ, Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 25 nhận lệnh bố trí lực lượng bảo vệ bên ngoài Dinh Độc Lập… Hơn 4 giờ hành quân thần tốc, sáng sớm ngày 30/4/1975, đơn vị ông đã có mặt tại địa điểm theo kế hoạch, và ông được chứng kiến những diễn biến từ khi Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh Sài Gòn, cho đến lúc nghe phát trên máy phóng thanh lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Ông Minh xúc động kể lại: “Thời khắc đó, cảm xúc dâng trào không gì diễn tả được, hình ảnh mọi người ôm chầm lấy nhau, mừng rơi nước mắt hô vang: “Bác Hồ muôn năm”, “miền Nam giải phóng rồi”. Để có được những giây phút này phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí…”.

Tháng 12/1976, ông Minh ra quân về địa phương tham gia công tác cho đến năm 1987 thì đưa gia đình đi kinh tế mới tại xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). Ông Trần Văn Minh đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huy hiệu tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Huy hiệu tham gia Chiến dịch Xuân 1975 cùng nhiều huân huy chương cao quý khác…

Những ngày trên “đất lửa” Quảng Trị

Hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu ở vùng “đất lửa” Quảng Trị mà người lính già Bùi Văn Cợt (79 tuổi đời, 47 năm tuổi Đảng, dân tộc Mường, hiện ở thôn Dhung Knung, xã Cư Pui, Krông Bông) như sống lại tuổi thanh xuân.

Tháng 6/1967 ông Cợt nhận lệnh nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 thuộc Sư 320 B, đóng quân ở Đông Hà - Quảng Trị. Suốt 15 năm trong quân ngũ, ông đã có 12 năm chiến đấu ở vùng “đất lửa” Quảng Trị.

Ông Bùi Văn Cợt kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong chiến đấu trên vùng đất Quảng Trị.  

Ông nhớ lại, tháng 9/1967, đơn vị vừa đặt chân đến Khe Sanh - Quảng Trị, nhiệm vụ đầu tiên ông được giao là cùng hai đồng đội khác, mỗi người mang 9 kg thuốc nổ đánh phá cầu Hiền Lương nhằm đập tan ý đồ “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến” của địch. Qua trinh sát, biết được mỗi khi có những đám bèo trôi trên sông, địch thường tập trung bắn vào vị trí đó vì nghi có “cộng sản”… Vì thế, để tạo hiện trường giả, ban ngày ông và đồng đội lấy bèo kết thành từng mảng, ban đêm thả trôi cách xa vị trí hành động. Do công việc chỉ thực hiện vào ban đêm và lặn sâu dưới nước nên phải mất 9 ngày đêm ông và đồng đội mới đến được vị trí đặt chất nổ, phá sập một bên bắc cầu Hiền Lương. Hoàn thành nhiệm vụ trở về đơn vị an toàn, lúc đó ông mới chắc chắn là mình còn sống…

Tháng 4/1968, đơn vị ông nhận được tin lính thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn sẽ tổ chức cuộc hành quân với quy mô lớn. Trong khi đó, trung đội của ông chỉ có 28 người. Để chống lại số đông quân địch, đơn vị đã triển khai lối đánh du kích, 28 người được phân tán thành 28 điểm chốt chặn, vũ khí chiến đấu chủ yếu bằng lựu đạn, những lúc địch tập trung đông thì ta tạm thời ẩn nấp, chờ khi địch phân tán nghỉ ngơi thành từng nhóm nhỏ mới chủ động tấn công. Để bảo toàn lực lượng và không lộ mục tiêu, cách đánh cũng rất linh hoạt, địch gần vị trí chốt chặn của ai thì chỉ người đó nổ súng. Sau 3 ngày đêm chiến đấu, trung đội của ông Cợt giành thắng lợi to lớn. Theo thông báo của Bộ tư lệnh Mặt trận, địch thương vong lên đến hàng trăm tên, bên ta hy sinh 18 chiến sĩ, bản thân ông Cợt bị thương ở phần mềm. Sau khi điều trị, ông được chuyển sang làm nhiệm vụ trinh sát; từ đó, trên các chiến trường Đông Hà, Cam Lộ, Gio Linh, Cửa Việt không nơi nào thiếu bước chân ông. Trong một lần đi nắm tình hình địch ở Cửa Việt, ông Cợt bị địch bắt, tuy nhiên chỉ hai ngày sau, lợi dụng lúc ta giao chiến với địch, ông đã chạy thoát.

Tháng 7/1972, trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, đơn vị ông được phân công nhiệm vụ chiến đấu phía tây thành cổ, thời gian này ông trực tiếp tham gia chiến đấu với địch hai trận…

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ông Cợt được kết nạp Đảng và giữ chức vụ Đại đội trưởng. Tháng 8/1979, ông chuyển về A35, C40 quân tình nguyện Việt Nam đóng quân tại Kampong Cham (Campuchia) cho đến năm 1982 ra quân.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.