Multimedia Đọc Báo in

Chủ động tiến công địch: Bài học lớn mở đầu toàn quốc kháng chiến

18:16, 25/12/2023

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đó là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Tuy nhiên, vào thời điểm từ sau Cách mạng Tháng Tám đến cuối năm 1946, cách mạng nước ta đứng trước những khó khăn chồng chất, những thử thách nghiêm trọng.

Ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, rồi đưa quân ra Bắc Bộ.

Sách lược ngoại giao mềm dẻo

Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nền hòa bình, độc lập mới giành được, sự tồn vong của chế độ bị đe dọa trực tiếp đặt ra yêu cầu bức thiết cho Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phải có sách lược ngoại giao phù hợp, linh hoạt.

Với quân Trung Hoa Dân quốc, ta đã thực hiện chính sách Hoa - Việt thân thiện. Vì thế, khi 20 vạn quân Tưởng cùng tay sai núp dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động áp dụng sách lược ngoại giao mềm dẻo giao thiệp thân thiện, nhân nhượng, tránh xung đột theo phương châm hành xử, nhưng với nguyên tắc không làm mất độc lập, chủ quyền.

Với Pháp, mọi chủ trương của Đảng, Chính phủ nhằm có thể kéo dài thời gian hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thông điệp với Chính phủ Pháp thể hiện thiện chí hòa bình, tránh một cuộc chiến tranh xảy ra.

Rõ ràng, từ sách lược ngoại giao đúng đắn, thiện chí, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng ra khỏi nước ta mà không dùng đến biện pháp chiến tranh. Chúng ta tranh thủ hòa bình, tạo điều kiện cho nhân dân miền Nam tổ chức và phát triển cuộc chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị thực lực cho kháng chiến toàn quốc.

Ngay khi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch được phát đi, những loạt đại bác của ta từ pháo đài Láng bắn thẳng vào các mục tiêu của Pháp trong thành phố, chính thức mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Chủ động xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Từ tháng 8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng đã chủ trương “vũ trang toàn dân”, “Mở rộng Quân giải phóng Việt Nam”. Theo đó, các đoàn thể cứu quốc đều quân sự hóa. Các đội tự vệ phát triển thành Tự vệ cứu quốc. Đến cuối năm 1946, hầu hết các thôn xã, đường phố, nhà máy trên cả nước đều tổ chức du kích và dân quân tự vệ. Cùng với phong trào vũ trang toàn dân và sự phát triển các đội tự vệ, bộ đội chủ lực cũng được củng cố và phát triển vượt bậc.

Tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị phải nhanh chóng chấn chỉnh và mở rộng Giải phóng quân. Đến ngày 22/5/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh 71/SL, quân đội chính thức được gọi là Quân đội quốc gia, biên chế theo từng trung đoàn, tiểu đoàn và đại đội. Cuối năm 1946, bộ đội chủ lực đã lên tới hơn 8 vạn người. Ở các tỉnh có chi đội, các huyện có chi đội hoặc phân đội bộ đội địa phương. Các địa phương Nam Bộ, Nam Trung Bộ tổ chức các đội du kích, phối hợp cùng bộ đội và nhân dân đánh giặc. Ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thành lập các đơn vị dân quân tự vệ cùng bộ đội và nhân dân chống địch quấy phá, bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ và nhân dân. Đến cuối năm 1946, dân quân tự vệ, du kích đã phát triển đến gần một triệu người.

Chủ động phát động toàn quốc kháng chiến

Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng và nhận định: “Chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng” và chỉ thị cho quân dân cả nước: “Tất cả hãy sẵn sàng” chiến đấu. Để kịp thời cổ vũ tinh thần kháng chiến, đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước…”.

Có thể khẳng định, bằng tất cả khả năng có thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng ta đã tìm mọi cách để giữ gìn hòa bình. Nhưng tất cả những thiện chí ấy đều không được thực dân Pháp đáp lại, bởi vì họ chỉ có một mưu đồ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Do đó, quyết định kháng chiến của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lúc đó là đúng đắn, vì quyền lợi tối cao và con đường phát triển của dân tộc.

77 năm trôi qua nhưng sự kiện mở đầu toàn quốc kháng chiến vẫn để lại những bài học kinh nghiệm quý giá, đặc biệt là bài học giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, chủ động đối phó với những biến động phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, trên cơ sở kiên quyết với nguyên tắc độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất Tổ quốc, có chiến lược, sách lược, có phương pháp và bước đi phù hợp.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.