Multimedia Đọc Báo in

Những năm tháng thực hiện nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn

08:27, 10/12/2023

Gần 35 năm đã trôi qua nhưng những cựu chiến binh Sư đoàn 307 (Quân khu 5) từng làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia giai đoạn 1979 – 1989 vẫn nhớ mãi những năm tháng chia lửa cùng nước bạn…

Từ chiếc máy catset nhỏ trong căn nhà của Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hà Minh Thám thỉnh thoảng vẫn vang lên bản tình ca “Anh lính tình nguyện và điệu múa Ápxara” của nhạc sĩ Minh Quang. Lời bài hát lúc lắng lại, lúc như thổi bùng lên trong tâm trí ông ký ức về những năm tháng trên chiến trường K.

Trung tướng Hà Minh Thám bồi hồi kể: "Tôi là một trong những người lính tình nguyện Việt Nam có mặt đầu tiên trên đất Campuchia và cũng là những người cuối cùng rút khỏi nước bạn. Hơn 11 năm (1978 - 1989) sống, chiến đấu trên đất nước bạn, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ bằng chính mệnh lệnh trái tim, bằng tình yêu tha thiết với nhân dân đất nước Chùa Tháp.

Tham gia hàng chục trận chiến đấu, song tôi vẫn nhớ như in trận chiến ngày 8 và 9/12/1984. Được giao nhiệm vụ tiến công hướng chủ yếu Điểm cao 677 (núi Cụt), lúc này đang là Bí thư Chi bộ, Phó Tiểu đoàn trưởng về chính trị Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 95, Sư đoàn 307, giữa lúc bộ đội bị thương vong, đạn gần hết, tôi đã động viên đơn vị giữ vững quyết tâm chiến đấu, bám trụ trận địa suốt 8 giờ liền. Chưa đầy một tháng sau, tôi lại trực tiếp chỉ huy hai đại đội cài chốt sau lưng địch, truy kích địch từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, diệt 96 tên, bắt 42 tên”.

Với Đại tá Ngô Đức Tấn, đồng đội nhắc nhiều nhất về chuyện ông bị thương vẫn chỉ huy đơn vị chiến đấu. Đó là ngày 25/4/1984, ông chỉ huy Trung đoàn 94 nhận nhiệm vụ truy kích địch, vô hiệu hóa chốt hỏa lực ở Đồn 600, cắt đường dây thông tin về bộ tổng tham mưu của quân Pôn Pốt. Khi bị thương, được y tá băng bó, cầm máu tạm thời, Đại tá Ngô Đức Tấn bảo anh em khiêng trên võng để tiếp tục chỉ huy trận đánh. Biết chuyện, Tư lệnh Quân khu 5 lúc đó là Trung tướng Nguyễn Chơn đã gọi điện khuyên ông Tấn về tuyến sau điều trị nhưng ông dõng dạc báo cáo: “Khi nào chiến trường dứt điểm tôi sẽ về tuyến sau!”. Đến 12 giờ trưa 28/4/1984, trận đánh kết thúc thắng lợi, ông Tấn mới chịu về điều trị tại Bệnh xá Stungtreng. Do vết thương lâu ngày, lại liên tục hành quân nên những mảnh xương bị vỡ vụn khiến ông phải mổ đi mổ lại bốn lần.

Hơn 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, các trung đoàn trực thuộc Sư đoàn 307 phải chịu đựng rất nhiều gian khổ, ác liệt. Vật chất thiếu thốn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bộ đội hành quân nhiều tháng khiến cơ thể suy kiệt, sốt rét ác tính triền miên, nước sinh hoạt lại khan hiếm song các chiến sĩ luôn chiến đấu quả cảm, kiên cường. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 307 cũng là những người con thân yêu của các phum, sóc trên đất bạn, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, cứu đói, cứu đau đối với người dân địa phương, được người dân đất nước Chùa Tháp gọi là “Đội quân nhà Phật”. Đại tá Võ Văn Chỉnh kể: “Trên đất bạn, người lính tình nguyện chỉ dùng ba thứ: không khí, nước và củi để nấu ăn. Cá dưới sông, trái cây trên đầu nhưng ai nấy đều nghiêm khắc với chính mình, chấp hành nghiêm kỷ luật dân vận, kỷ luật chiến trường. Cùng với thực hành tiết kiệm, những nơi có điều kiện thích hợp, các đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng cây lương thực, rau xanh, chăn nuôi bò, heo, gà…”.

Những tướng lĩnh, cựu chiến binh từng công tác ở Sư đoàn 307 về dự lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn 94, Sư đoàn 307.

Còn Đại tá Đỗ Xuân Mạnh thì bùi ngùi: “Biết bao đồng đội đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Không chỉ trực tiếp chiến đấu, có đồng chí khi đi làm nhiệm vụ vận tải, cứu thương dẫm phải mìn của địch gài trong lòng đất cũng phải cưa chân, tháo khớp, hỏng mắt hoặc vĩnh viễn ra đi. Đến bây giờ vẫn còn những hài cốt liệt sĩ nằm trong lòng đất bạn”.

Những ngày tháng tham gia giúp bạn, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam luôn mơ ước cuộc chiến sớm kết thúc, hòa bình trở lại. Từ chiến trường trở về, các cựu binh luôn trăn trở và nung nấu quyết tâm phải làm một việc gì đó vì những đồng đội đã ngã xuống. Từ năm 2013 đến nay, ông Nguyễn Văn Khả, Trưởng Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Sư đoàn 307 tại Khánh Hòa thường xuyên lên mạng tìm kiếm, thu thập thông tin mộ các liệt sĩ rồi đi xác minh. Bằng cách làm này, ông Khả cùng đồng đội đã thu thập, tìm kiếm được 265 mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang tỉnh, thành phố phía Nam và miền Trung - Tây Nguyên. Các cựu binh cũng đã giúp đỡ các gia đình làm thủ tục hồ sơ di dời, đưa hài cốt liệt sĩ về các địa phương; có rất nhiều gia đình nhờ ông giúp đỡ mà sau 30 - 40 năm kể từ ngày người thân hy sinh nay mới tìm thấy mộ.

Ôn lại trang sử vẻ vang, các thế hệ đi trước của Sư đoàn 307 càng vững tin vào thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực thi đua rèn đức, luyện tài, đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, gắn bó mật thiết với nhân dân, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đỗ Thị Ngọc Diệp


Ý kiến bạn đọc