Multimedia Đọc Báo in

Trung đoàn 142 ngày ấy…

08:21, 17/12/2023

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, vết thương chiến tranh chưa kịp hàn gắn, lửa đạn chiến tranh chưa kịp nguội thì bọn thù trong câu kết với giặc ngoài lại gây ra cuộc chiến tranh biên giới tây nam, quấy rối nội địa nước ta.

Trước tình hình nhiệm vụ cấp bách, ngày 2/9/1978, Trung đoàn 142 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Đắk Lắk được thành lập.

Nhiệm vụ của Trung đoàn 142 là truy quét bọn FULRO trên địa bàn, chiến đấu bảo vệ biên giới, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ quốc tế. Trung đoàn đóng quân tại Đức Lập, huyện Đắk Mil, khẩn trương ổn định tổ chức, sắp xếp lực lượng, học tập chính trị, huấn luyện quân sự, chuẩn bị chiến trường, bảo đảm công tác hậu cần mọi mặt chu đáo phục vụ chiến đấu. Chúng tôi - những người lính trung đoàn được quán triệt nhiệm vụ, nhận thức sâu sắc quan điểm cách mạng của Đảng: “Giúp bạn, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt là trực tiếp bảo vệ an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, tháng 12/1978 Trung đoàn 142 hành quân vượt sông Sêrêpốk, xuyên biên giới sang Mondulkiri phối hợp với cánh quân của ta cùng các đơn vị nước bạn đồng loạt tiến công tiêu diệt quân thù để giải phóng đất nước Campuchia.

Bà mẹ Campuchia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh tư liệu

Thời tiết vào mùa khô hanh, đêm đẫm sương, gió lạnh, ngày nắng, rừng cây đang độ trút lá, những con suối cạn khô phơi cát đá lô nhô. Cán bộ, chiến sĩ ba lô trên lưng, mang súng đạn, lương thực hành quân băng rừng, vượt sông suối xốc tới. Hành quân bí mật dài ngày, bữa ăn chủ yếu dùng lương khô, gạo sấy nên rất xót ruột do thiếu rau xanh. Núi rừng trùng điệp hiểm trở, địa hình lạ với ta, trong khi đó, đối tượng tác chiến là lính Pôn Pốt thông thuộc đường đi lối lại. Chúng thường phân tán lực lượng thành tốp nhỏ lẻ, bu bám bắn lén, rải các loại mìn nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta. Trung đoàn hình thành ba mũi tiến quân dựa vào bản đồ, xác định tọa độ, đối chiếu thực địa, dùng địa bàn vạch đường theo hướng khắc phục vật cản mà đi, gặp địch là đánh. Cán bộ, chiến sĩ đã được quán triệt thấu đáo, giữ nghiêm kỷ luật dân vận, kỷ luật quốc tế, do đó dù đói khát song không ai bắt cá dưới suối, hái ngọn rau rừng cải thiện bữa ăn.

Hôm ấy, trên đường tiến quân vào lúc 8 giờ sáng, đơn vị gặp địch, súng nổ ran trời đất, lá cây rừng rơi tơi tả, khói đạn mờ mịt kéo dài tới trưa. Địch bị tổn thất nặng và tháo chạy. Ta thu chiến lợi phẩm, trong đó có một con lợn trong rọ khoảng 50 cân do địch bỏ lại. Anh chị em bộ phận hậu cần trung đoàn thay nhau khiêng lợn suốt chặng đường hành quân cho đến khi gặp đơn vị nước bạn và trao lại cho họ. Một hôm vào lúc 5 giờ chiều, bộ phận trinh sát thông tin đi chuẩn bị chiến trường gặp địch, anh em quần nhau với chúng quyết liệt. Trời ập tối không liên lạc được với nhau, chiến sĩ Mai Chiến Lễ mang hai khẩu AK dìu một chiến sĩ bị thương, cắt rừng lần mò suốt một đêm đến sáng hôm sau mới về tới đơn vị.

Anh Kiểm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn 1 hy sinh khi đi làm nhiệm vụ. Hai ngày sau chúng tôi tổ chức đi tìm. Đoàn có 24 người là trinh sát, công binh, tôi và đại đội phó trinh sát chỉ huy. Độ là lính công binh cầm một thanh tre dài hơn 2 m, đầu vót mảnh như nan đan lờ đi trước thận trọng rà dây mìn. Xuất phát từ 7 giờ sáng đến trưa, chúng tôi mới tìm thấy thi thể Kiểm. Kẻ thù rất nham hiểm đã gài mìn vào ụ mối, gốc cây, khi ta lấy thi thể là chúng nổ súng, bộ đội mình lợi dụng nấp vào những chỗ lợi thế chiến đấu sẽ dính mìn. Với kinh nghiệm lính chiến, chúng tôi nhanh chóng triển khai công việc. Độ mau lẹ rà soát mìn; mỗi khi phát hiện thấy mìn, bằng đôi tay thuần thục, Độ lấy kim băng khẽ luồn vào khóa chốt an toàn rồi tháo kíp nổ ra, bỏ mìn vào túi vải đeo bên người. Cẩn trọng nhưng khẩn trương, Độ lần lượt tháo gỡ được 6 quả mìn KP2 bảo đảm an toàn cho đồng đội. Hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi về đến đơn vị cũng vào lúc nắng chiều gần tắt.

Theo lệnh quân khu, trung đoàn tiến sâu vào nội địa hướng lên đường 141 (đông nam Mondulkiri) làm nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực quân địch, thu hút sư đoàn 920 của chúng theo ý định tác chiến của ta, chuẩn bị hành lang chiến dịch. Có sự hỗ trợ đắc lực của quân tình nguyện Việt Nam cùng sự hợp đồng chặt chẽ với quân và dân nước bạn đồng loạt nổi dậy tấn công bọn Pôn Pốt, lúc 12 giờ 30 ngày 7/1/1979 đất nước Campuchia đã được giải phóng.

Nhân dân thủ đô Phnom Penh (Campuchia) lưu luyến tạm biệt cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế lên đường về nước. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trung đoàn 142 cùng lực lượng vũ trang của Campuchia tiến công giải phóng thị xã Cô-nhét, giải phóng tỉnh Mondulkiri rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ truy quét tàn quân địch, giúp bạn ổn định tình hình, đưa đồng bào trở về buôn sóc làm ăn. Từng đoàn người dân trang phục màu đen, ông bà già, phụ nữ, trẻ nhỏ mang gùi, chở xe bò đồ đạc chất lỉnh kỉnh lũ lượt trên đường hồi cư. Gặp bộ đội ta, có người nói tiếng Việt lơ lớ reo lên: “Việt Nam!”…

Trời đã sang xuân, chúng tôi ăn Tết Kỷ Mùi 1979 ở Mondulkiri. Xa Tổ quốc nhưng chúng tôi nhận được quà Tết, bánh kẹo, có rất nhiều lá thư tâm huyết đằm thắm tình hậu phương của các mẹ, các chị, học sinh từ Đắk Lắk và các tỉnh khu 5 gửi tới thăm hỏi, động viên. Lòng dân bao giờ cũng là điểm tựa vững chắc nhất tiếp sức cho người lính vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để làm nên chiến thắng…

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn 142 Đắk Lắk chuyển về Sư đoàn 315 thuộc Quân khu 5 tiếp tục giúp nước bạn xây dựng, bảo vệ đất nước. Trong 10 năm (1979 - 1989) trên đất nước Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, trải qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, những người lính trung đoàn nối tiếp các thế hệ luôn bền gan vững chí chiến đấu, làm tròn nhiệm vụ được giao.

Sau này, cán bộ, chiến sĩ lần lượt về xây dựng cuộc sống mới trên mọi miền đất nước, người còn tại ngũ, người ở lại Đắk Lắk thân yêu, cái nôi của Trung đoàn 142. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về một thời chiến đấu trên chiến trường Campuchia, về Trung đoàn 142 và đồng đội vẫn còn mãi trong ký ức chúng tôi…

Hồi ký của Đoàn Viết Doãn


Ý kiến bạn đọc