Multimedia Đọc Báo in

Chuyện hiếu nghĩa của chị em Bác Hồ

16:47, 27/12/2023

Cách đây 123 năm, vào dịp giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu (10/2/1901, nhằm ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý), tại ngôi nhà trên đường Đông Ba (Thành nội Huế), Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ lúc nhỏ) cùng gia đình đau buồn tiễn biệt người mẹ hiền sớm khuya tần tảo nhưng vắn số Hoàng Thị Loan về cõi vĩnh hằng.

Bà Hoàng Thị Loan ra đi trong cảnh đất khách quê người, chỉ có duy nhất Nguyễn Sinh Cung cùng em trai sơ sinh Nguyễn Sinh Nhuận (còn gọi Sinh Xin) khóc than bên thi hài mẹ. Sự ra đi của mẹ năm ấy đã để lại ký ức khó phai mờ trong tuổi thơ chị em Bác Hồ.

Bôn ba hải ngoại, Bác không quên ngày giỗ mẹ

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, cụ Đào Nhật Vinh từng là thủy thủ tàu buôn của Pháp, đã gặp và trở nên thân thiết với Bác Hồ từ thời Người là Văn Ba làm thuê trên tàu Pháp (1913).

Sau này về nước, sống tại TP. Hồ Chí Minh, khi có dịp ra thăm Lăng Bác vào năm 1977, cụ Vinh lúc ấy đã ngoài 80 tuổi kể rằng: “Vào ngày chủ nhật 30/1/1921, tôi từ Bordeaux lên Paris, tới ngõ Compoint tù mù vàng vọt. Lên cầu thang, bước tới cửa phòng anh Nguyễn, mùi hương từ trong phòng thơm ngát. Nghe tiếng gõ cửa, anh Nguyễn hé từ từ cánh cửa phòng, thấy tôi: “Ồ! chú Vinh! Vào đi em”.

Tôi bồi hồi nhìn vào cái bàn làm việc thường ngày đang là bàn thờ, hương khói nghi ngút, ngọn nến sáng lắt lay bên con gà ngậm bông hoa râm bụt ấp trên đĩa xôi…

Anh Nguyễn giọng bùi ngùi: “Hôm nay ngày giỗ mẹ anh. Hai mươi năm về trước cũng vào ngày chủ nhật 10/2/1901, tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý mẹ anh qua đời”. Anh im lặng. Tôi bật khóc, níu cánh tay anh Nguyễn.

Anh trầm lắng giọng: “Bấy giờ nhà ở trong ngõ Đông Ba, kinh đô Huế, lúc đó cha cùng anh cả đi công cán tận ngoài tỉnh Thanh chưa về…”. Anh siết chặt bàn tay tôi, nén xúc động không nói… Tôi đứng lên định ra phố sắm lễ vật vì không biết ngày này là ngày giỗ thân mẫu của anh.

Anh giữ tay tôi lại: “Chú từ phương xa đến đúng lúc anh có giỗ mẹ, là tâm hương thành lễ, không nhất thiết phải có lễ vật!”. Tôi cùng bái lễ thân mẫu Người”...

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 158 Mai Thúc Loan, thành phố Huế (nơi bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng vào dịp giáp Tết năm Tân Sửu – 1901).

Chuyện bà Thanh đưa di hài mẹ về với quê hương

Theo nhà văn Sơn Tùng, trong những lần trực tiếp gặp bà Nguyễn Thị Thanh (chị cả Bác Hồ), ông được nghe về câu chuyện đích thân bà đã chuyển hài cốt mẹ mình từ Huế về Nam Đàn.

Bà Thanh kể: “O ra khỏi nhà tù năm Nhâm Tuất (1922), nhưng phải quản thúc tại Kim Long, kinh đô Huế. Mẹ o, em trai của o là Nguyễn Sinh Nhuận nằm xuống đất Huế, o không được nhìn mặt mẹ lần cuối cùng, chưa nhìn được mặt em trai một lần. Thật là nước mất nhà tan…

Trước cảnh ngộ cha xiêu bạt nơi lục tỉnh Nam Kỳ một cách vô định lai hồi, em Tất Đạt đang tại tù, em Tất Thành bôn ba hải ngoại, chẳng biết ở chân trời góc biển nào! Quyết đưa di hài mẹ về cố quận. Nhưng để làm được việc hiếu này, trong cảnh ngặt nghèo này, khó lắm cháu ơi…. O bị quản thúc vô thời hạn: “Nhất nhật tại dã, bất khả viễn phương”. Nhưng khi công môn, o xin về Nghệ thăm nhà, họ không hạch sách gì, còn được lời ân ưu… Nhờ vậy, o lo liệu công việc di chuyển di hài mẹ về quê thuận lợi.

Đúng vào canh ba, đêm tháng 10 năm Nhâm Tuất, chú Hồ Phi Huyền lên biểu bạch để o thực hành việc di hài cát táng từ kinh đô về Nam Đàn. Dì Hoàng Thị An lo liệu nơi cất giữ di hài cho đến khi tìm được cát địa. Mẹ Lụa dặn: Khi mở nấm mộ phải đứng tránh ngọn gió. Nước gỗ vang phải nhiều, đun sôi kỹ từ hôm trước để rửa cốt thật sạch, lau khô bằng giấy bản. Nước gỗ trầm hương tẩm cốt rồi xếp vào vải điều, gói vuông vức lại, bọc ngoài một tấm vải đen, cất dưới đáy bị cói, trên xếp các loại thuốc viên. Hài cốt được tẩm nước gỗ trầm hương đưa đi xa, qua đò, qua tàu, xe, hay gặp các loại súc vật khứu giác nhạy như chó cũng không thể bắt mùi. Về Huế, o nhờ gia đình người học trò của phụ thân o giúp việc “quán tẩy di hài” (rửa lau hài cốt)… Mọi việc làm trong âm thầm kín như bưng và trơn bọt lọt lạch…

Xong mọi việc hiếu nghĩa với mẫu thân mà o không thể nào bắt liên lạc được với phụ thân o để người yên lòng, và cậu Tất Đạt o cũng chưa gặp lại được. Mãi tới năm Canh Thìn (1940), cậu Tất Đạt mới được về quê. Cậu ở lại quê được ít lâu, cậu mời chú Hồ Phi Huyền cùng đi xem cát địa để cát táng mẫu thân của chị em o. Chú Hồ Phi Huyền, cậu Tất Đạt đi khắp từ Đông Nam sang Tây Nam dãy núi Đại Huệ, đi qua cả truông Hến, truông Băng, truông Bồn… Cuối cùng tìm được hai điểm Động Tranh và Đại Hài, về sau quyết định lấy một. Năm Tân Tỵ (1941), cậu Tất Đạt chọn Động Tranh làm nơi thiên thu an lạc tĩnh thổ cho mẫu thân o.

Mùa thu Ất Dậu (8/1945), Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, o ra thủ đô thăm cậu Tất Thành, tại nhà cậu mợ Đặng Thai Mai, o có nói với cậu Tất Thành việc o chuyển di hài mẫu thân về quê, và việc o vào Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc chịu tang phụ thân năm Kỷ Tỵ (1929)”…

Chuyện hiếu nghĩa của chị em Bác Hồ với mẫu thân trong hoàn cảnh “nước mất – nhà tan – gia đình ly tán” càng thêm thấm thía tình mẫu tử thiêng liêng, khiến mỗi chúng ta vô cùng xúc động và tỏ lòng kính phục về một gia đình vẹn toàn hy sinh cho Tổ quốc – nhân dân!

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.