Nhìn lại sự kiện bang giao đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam
Ngày 10/9/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R.Biden tại Hà Nội và tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Đây là dấu ấn quan trọng trong quan hệ của hai nước, mở ra cơ hội hợp tác phát triển nhiều mặt cho cả hai quốc gia. Nhân dịp này, nhìn lại lịch sử, sự kiện bang giao đầu tiên giữa hai nước đã diễn ra cách đây 188 năm...
Nếu nói về người phương Tây đến Việt Nam, sớm nhất phải nói đến người Bồ Đào Nha. Theo các tài liệu lịch sử thì từ năm 1593 người Bồ Đào Nha đã tới Hội An buôn bán và mở ra không ít thương điếm ở đây. Sau người Bồ Đào Nha, là người Hà Lan, người Pháp, người Anh... Họ đến Việt Nam, một số để buôn bán, số khác để truyền đạo. Người Mỹ thì “chậm chân” hơn...
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, năm 1819, giai đoạn Gia Long trị vì, người Mỹ mới chính thức có mặt ở nước ta, đấy là John Whire đi theo thuyền buôn của Úc đến cảng Vũng Tàu, sau đó đến Gia Định, được tổng trấn Gia Định là Nguyễn Văn Nhâm đón tiếp, giao đãi khá nồng hậu. Tuy vậy, đây chỉ là một cuộc giao lưu mang tính cá nhân. Phải đến năm 1832, tức là 13 năm sau, Mỹ mới chính thức cử phái bộ đến Việt Nam, có đặc sứ, có quốc thư để đặt quan hệ bang giao với nhà Nguyễn.
Phái bộ Mỹ đi trên một con tàu, định vào vịnh Bắc Bộ, nhưng do gió lớn và dòng hải lưu chảy quá mạnh nên đã dạt xuống Vũng Lấm, tỉnh Phú Yên. Đại Nam thực lục chính biên còn ghi: “Vào tiết đông chí tháng 11, năm Minh Mạng thứ 13, một chiếc thuyền của nước Nhã Di Lý (còn gọi là Hoa Kỳ, Ma ly căn, Tân Anh Cát Lợi) cập bến Vũng Lấm, tỉnh Phú Yên. Quốc trưởng nước ấy cử hai người là Nghĩa Đức Môn La Bách (Edmund Roberts) và Đại úy Đức Giai Tâm Gia (Georges Thompson) đem quốc thư đến cầu giao hảo thông thương”... Khi nhận được tin người Nhã Di Lý đến lãnh thổ của mình, Viện Cơ mật của triều đình Huế đã họp khẩn cấp. Vua Minh Mạng lệnh cho Viên ngoại lang Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức phối hợp với quan Tuần phủ Phú Yên mở tiệc khoản đãi phái bộ Mỹ ngay trên tàu, nhưng không mời lên bờ, không chấp nhận quốc thư và đề nghị với phái bộ Mỹ: lần sau nếu đến thì cập thuyền ở vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng). Phái bộ Mỹ sau đó đã rời Việt Nam sang Thái Lan và được vua Thái nồng nhiệt đón tiếp và cùng ký kết Hiệp ước hữu nghị. Đó là hiệp ước đầu tiên mà Hoa Kỳ ký với một nước ở vùng viễn đông.
Đến năm 1836, tức 4 năm sau, Mỹ lại cử phái bộ thứ hai đến nước ta. Phái bộ cũng do Edmund Roberts làm trưởng đoàn. Lần này họ cập tàu ở vịnh Sơn Trà và xin được trình quốc thư. Khi được vua hỏi về đối sách, Nội các thị lang Hoàng Quýnh tâu: “Bọn ngoại quốc trăm đường xảo quyệt, nên cự tuyệt chúng, nếu dung nạp thì sẽ gây hiểm họa cho đời sau. Người xưa xem bế quan là đắc sách vậy”. Thế nhưng Minh Mạng không nghe lời. Ông không muốn người nước ngoài xem Việt Nam là một quốc gia hèn yếu, hẹp hòi, nên lệnh cho Đào Trí Phú là quan Thương Bạc (chuyên lo việc ngoại giao buôn bán) cùng Lại bộ thị lang Lê Bá Tư phối hợp với Thương Bạc quán đến gặp Edmund Roberts để cùng bàn bạc trao đổi. Chẳng may Edmund Roberts bất ngờ bị bệnh nặng, không giao tiếp được, nên giao cho người thông ngôn đến gặp đại diện phía triều đình để đáp lễ; sau đó cho tàu nhổ neo rời bến ngay. Ngày 12/6/1836, vì bệnh nặng, Edmund Roberts chết tại Ma Cau (Trung Quốc).
Như vậy cả hai lần bang giao đều “bất đắc như ý”. Ở lần thứ nhất, sự “bất thành” chủ yếu do phong cách ngôn ngữ trong bức thư và nghi thức ngoại giao của phái bộ Mỹ khác với những thể thức quy định của triều đình, khiến nhiều vị quan triều trình không vừa ý, cho là “bất hợp thức”, thiếu sự cung kính với nhà vua và triều đình. Vì thế họ đã đề nghị với nhà vua chưa chấp nhận bang giao. Nội dung cụ thể của bức thư được dịch như sau:
Bức thư của Quốc vụ khanh Chính phủ Hoa Kỳ gửi vua Minh Mạng. Ảnh chụp lại |
“Andrew Jackson, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Kính gửi bằng hữu chí tôn chí quý.
Thư này sẽ được trình với bệ hạ bởi ngài Edmund Roberts, một công dân khả kính của Hoa Kỳ được cử làm Đặc sứ mang trọng trách chuyển tới Bệ hạ những việc hệ trọng của bổn quốc. Tôi xin Bệ hạ bảo hộ cho ông ta trong khi phụng mệnh và đối đãi với ông ta một cách bao dung và tin cậy. Xin hãy hoàn toàn tin tưởng vào những điều mà ông ta nhân danh tôi nhắc lại lời cam đoan về tình hữu hảo và thiện chí đối với Bệ hạ.
Tôi xin Thượng đế luôn hiện hữu trong Bệ hạ để làm người bằng hữu chí tôn chí quý, dưới sự bảo hộ an lành của Người.
Để làm bằng, tôi đã cho áp quốc ấn của Hợp chủng quốc Hoa kỳ vào bức thư này, được tôi trao tận tay tại thành phố Hoa Thịnh Đốn ngày 31 thàng 1 năm 1832 (Tây lịch, năm thứ 56 Hoa Kỳ độc lập).
Andrew Jackson
Thay mặt Tổng thống
Quốc vụ khanh Edw. Livingston
Như vậy, nếu không có sự xét nét, bắt bẻ về chữ nghĩa trong bức thư nói trên, nếu không có sự cố chấp trong nghi thức ngoại giao của triều đình Minh Mạng, phái bộ của Edmund Roberts được mời lên bờ tiếp đón nồng nhiệt và mở cửa bang giao với Hoa Kỳ từ năm 1832, chắc chắn quan hệ Việt - Mỹ đã được ươm mầm từ ngày đó, cách nay đã 188 năm...
Phan Vũ
Ý kiến bạn đọc