Trận quyết chiến trên bầu trời Hà Nội
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 là một trong những chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20; là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của ý chí kiên cường, tầm cao trí tuệ và bản lĩnh con người Việt Nam; là một đỉnh cao chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.
Một chiến dịch hủy diệt
Ngày 26/10/1972, Henrry A. Kisinger tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay”, tưởng chừng các bên sắp đi đến ký kết Hiệp định Paris. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Nixon và chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã phá vỡ thương lượng. Từ ngày 18 đến 29/12/1972, Nixon tiến hành không kích chưa từng có xuống các tỉnh thành ở miền Bắc Việt Nam nhằm rút quân “trong danh dự” và buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký kết những điều khoản có lợi cho Mỹ và Việt Nam Cộng hòa.
Với tên gọi chiến dịch Linebacker II, đây là trận oanh tạc lớn của quân đội Mỹ từ sau thế chiến thứ hai. Với phương châm sử dụng vũ lực không giới hạn, chính quyền Nixon đã huy động những vũ khí, phương tiện tối tân nhất cho chiến dịch này; trong đó có gần 50% “pháo đài bay” B-52 (197/400 chiếc) với sự hỗ trợ của trên 1/3 số máy bay ném bom chiến thuật (1.077/3.041 chiếc) của quân đội Mỹ, xuất phát từ các căn cứ ở Guam, Thái Lan, Đà Nẵng và 6 tàu sân bay ở ngoài khơi Thái Bình Dương.
Chỉ trong 12 ngày đêm, máy bay Mỹ đã ném hơn 100.000 tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn… Ngoài các mục tiêu quân sự, bom Mỹ cũng đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.
Chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào đêm 18/12/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Chủ động đối phó, xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược
Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén đánh giá đúng tình hình, dự báo sớm, chính xác âm mưu, hành động leo thang tấn công miền Bắc và thủ đoạn kéo dài chiến tranh của đế quốc Mỹ. Trên cơ sở đó, chuẩn bị tinh thần và lực lượng đối phó.
Trong suốt 12 ngày đêm quân và dân ta chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ ta không di chuyển vị trí, vẫn ở tại thủ đô trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến, cùng quân và dân Hà Nội chiến đấu. Trong 12 ngày đêm, Hà Nội đã sát cánh cùng các địa phương bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, bắt sống 43 giặc lái. Trong đó, quân và dân thủ đô đã bắn rơi 30 máy bay Mỹ, bao gồm 25 chiếc B-52, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Cuộc đấu tranh của bạn bè quốc tế
Thất vọng và phẫn nộ trước hành động của Nixon ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, các nhà lãnh đạo và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã đứng lên góp chung tiếng nói. Những tiếng nói đanh thép và phong trào biểu tình không chỉ đến từ các nước xã hội chủ nghĩa mà còn đến từ các nước như Pháp, Thụy Điển, Úc, Nhật Bản… Đặc biệt là phong trào đấu tranh ngay tại nước Mỹ, với những tiếng nói mạnh mẽ của nghị sĩ quốc hội ở cả hai viện, những hành động kiên quyết của nhân dân, của giới truyền thông, nghệ sĩ và nhân dân tiến bộ Mỹ.
Kể từ năm 1965, khi Mỹ bắt đầu mở rộng ném bom phá hoại, hơn 200 công dân Mỹ đã đến miền Bắc Việt Nam và trở về với những báo cáo “mắt thấy tai nghe”, góp phần thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ.
Trong đó phải kể đến chuyến đi của nữ diễn viên nổi tiếng Jane Fonda vào tháng 7/1972 đã làm chấn động truyền thông Mỹ. Tận mắt chứng kiến cảnh đổ nát do bom Mỹ đánh phá, bà đã thốt lên “Bom đang rơi ở Việt Nam nhưng bi kịch diễn ra ở nước Mỹ”. Ngoài ra, nữ ca sĩ người Mỹ Joan Baez đã trực tiếp trải qua và tường thuật cuộc ném bom khốc liệt tại Hà Nội trong suốt 12 ngày đêm năm 1972. Trong một lần tránh bom trong hầm trú ẩn, bà đã cho ra đời ca khúc phản chiến “Con đang ở đâu, con ơi?”
Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda chứng kiến cảnh đổ nát tại nhà máy dệt Nam Định sau những đợt ném bom hủy diệt của Mỹ, tháng 7/1972. Ảnh tư liệu |
Ngày 21/12/1972, hàng nghìn người biểu tình rầm rộ tại New York phản đối hành động ném bom rải thảm miền Bắc Việt Nam. Trong đó có 3 cựu quân nhân Mỹ, đó là nữ y tá hải quân Susan Schall, đặc vụ tình báo Brian Matarrese và sĩ quan pháo binh Michael Gould. Ngày 26/12/1972, phi công B-52 Michael Heck đã từ chối thực hiện mệnh lệnh tiếp tục ném bom miền Bắc Việt Nam vì “vấn đề đạo đức” và “lương tâm”. Ông nói: “thậm chí tôi sẽ từ chối thực hiện cả nhiệm vụ trên bộ như giám sát việc tải bom hay tiếp nhiên liệu máy bay. Tôi không muốn tham gia… không thể lấy việc hoàn thành mục tiêu để biện minh cho việc tàn phá và giết người hàng loạt được”.
Có thể khẳng định, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” còn là thắng lợi của lương tri quốc tế, với sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế và nhân loại tiến bộ. Chiến thắng này đã góp phần tạo ra bước ngoặt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược trên mặt trận ngoại giao, buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 và rút hết quân Mỹ về nước, tạo cơ sở vững chắc để quân và dân ta tiếp tục thực hiện lời di huấn của Bác Hồ là “đánh cho ngụy nhào”, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử để thống nhất đất nước.
Nguyễn Cẩm
Ý kiến bạn đọc