Rạng đỏ đất bazan
Gần 50 năm trước, Buôn Ma Thuột từng diễn ra trận đánh mở màn cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hào khí năm tháng ấy, những người con từng hiến dâng thanh xuân, máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã làm rạng đỏ đất bazan, mãi mãi khắc tạc vào mốc son lịch sử của dân tộc.
Vẹn nguyên ký ức một thời hoa lửa
Xung phong nhập ngũ khi mới tuổi 17, chàng trai trẻ Phạm Chí Sâm (SN 1948, quê Quảng Bình) được phân công vào chiến trường Tây Nguyên làm trợ lý trinh sát của Trung đoàn pháo cao xạ 234.
Đầu năm 1975, ông cùng lực lượng trinh sát của mặt trận Tây Nguyên làm nhiệm vụ trinh sát địa bàn Buôn Ma Thuột, nắm tình hình, quy luật hoạt động, quân số của địch, các cửa ngõ mà địch hay ra vào… để cùng chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược Buôn Ma Thuột.
Những bức ảnh về một thời hoa lửa được ông Phạm Chí Sâm gìn giữ cẩn thận. |
Ngày 10/3/1975, trong đội hình của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn pháo cao xạ 234, ông cùng đồng đội hành quân từ Đức Lập (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông ngày nay) tiến về thị xã Buôn Ma Thuột. Nhớ lại giây phút ấy, ông bồi hồi: “Lúc bấy giờ, thị xã Buôn Ma Thuột đã gần như được giải phóng, chỉ riêng sân bay Hòa Bình (sân bay Buôn Ma Thuột ngày nay) vẫn còn giao tranh rất ác liệt. Sân bay là cứ điểm đặc biệt quan trọng, là chốt phòng ngự cuối cùng của địch tại Buôn Ma Thuột nên chúng xây dựng nhiều lớp bảo vệ, hệ thống hầm hào, công sự, sử dụng phương tiện chiến đấu không quân hiện đại. Trung đoàn pháo cao xạ 234 khi ấy được lệnh kéo pháo 37mm, 57mm và tên lửa A72; tham gia phối hợp cùng các lực lượng tiến đánh vào sân bay. Khi hỏa lực của ta được triển khai, trong ngày đầu tiên đã bắn rơi 2 chiếc máy bay phản lực của địch… Thế giằng co kéo dài 7 ngày liên tục, tới sáng 17/3, ta hoàn toàn giải phóng sân bay Hòa Bình”.
Trước khi tham gia trận quyết chiến chiến lược Buôn Ma Thuột, ông từng bước qua lằn ranh sinh tử ở chiến trường tại tỉnh Kon Tum. Đó là trận bom ác liệt năm 1972 mà địch thả ở khu vực sông Sa Thầy, chiếc hầm trú ngụ của đơn vị ông bị vùi lấp. Mẹ già ở quê đã nhận giấy báo tử, lập bàn thờ vọng, nhưng thật may mắn, ông đã được đồng đội cứu kịp thời. Những lần giao tranh ác liệt khác, ông chứng kiến không biết bao đồng đội ngã xuống ở tuổi đôi mươi. Có thời điểm 7 - 8 người bị bom dội trúng, nhưng chỉ nhặt được một số ít thi hài, rồi chia đều cho từng phần mộ. Đau đớn hơn, có những phần mộ đã được chôn cất chu toàn, vậy mà máy bay địch quần thảo thả bom, tất cả lại bị cày xới lên rất đau thương…
Đi qua những năm tháng ác liệt nhưng hào hùng nhất của đời người, ông Phạm Chí Sâm là bệnh binh (tỷ lệ thương tổn 61%) về sinh sống tại tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Thành Công. TP. Buôn Ma Thuột. Trân quý hơn cuộc sống hòa bình, độc lập, ông luôn dành thời gian kể chuyện truyền thống, giao lưu chuyện trò để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử oai hùng của dân tộc, đất nước.
Nữ y tá “gan vàng, dạ sắt”
Từ nhỏ lớn lên ở xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông), bà Trần Thị Thanh Hường (SN 1950, hiện sinh sống ở TP. Buôn Ma Thuột) không ít lần chứng kiến bộ đội đã hy sinh, nhưng vẫn bị địch tiếp tục phân xác thành nhiều mảnh. Căm phẫn trước hành động vô nhân tính của kẻ thù, bà đã thuyết phục gia đình cho mình được ra chiến trường, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
Năm 1966, bà được cử đi học y tá, sau đó về nhận nhiệm vụ tại Bệnh xá B2 (tỉnh Đắk Lắk). Tuổi trẻ nhiệt huyết, gan dạ, Trần Thị Thanh Hường không ngại băng rừng, vượt núi để cấp cứu, điều trị cho thương bệnh binh.
Bà Trần Thị Thanh Hường cùng chồng kể về những năm tháng trên chiến trường. |
Thời điểm diễn ra trận chiến Buôn Ma Thuột (tháng 3/1975), bà Hường cùng các y tá Nguyễn Thị Đang, Võ Thị Xanh được giao tham gia đội hậu phẫu, thường trực có mặt trên chiến trường để chăm sóc, vận chuyển thương bệnh binh. Cựu y tá 73 tuổi hồi tưởng: “Trong một lần cáng thương binh về Bệnh xá dã chiến để chăm sóc, chúng tôi bị địch dội bom trúng, chị Đang không may hy sinh, còn tôi bị thương nặng ở chân trái và cột sống. Máu ướt đẫm người, cứ tưởng mình sẽ chết trên chiến trường, nhưng thật may là vẫn còn sống”.
Gần 10 năm làm y tá chiến trận, bà không nhớ hết mình đã cứu chữa, chăm sóc cho bao nhiêu người. Có những đợt địch trút mưa đạn bom, bộ đội bị thương vong nhiều vô kể, khi ấy y tá không chỉ chăm sóc người bệnh, mà còn trực tiếp tham gia chôn cất đồng đội hy sinh. Có thời điểm chiến trường ác liệt, vật tư y tế thiếu thốn, nhiều chiến sĩ bị thương nặng, nhưng phải cắn răng chịu đau đớn dày vò. Nhiều đêm trắng giữa rừng, các y tá, bác sĩ tiếp nhận, chăm sóc thương binh vẫn gắng gượng, nỗ lực chiến thắng mọi hiểm nguy, thiếu thốn.
Sự tận tâm, trách nhiệm của nữ y tá Trần Thị Thanh Hường đã có người tận thấu. Nhiều lần bị thương, chuyển về Bệnh xá B2 và trực tiếp được bà chăm sóc, ông Trần Cảnh (SN 1933), khi ấy là Chính trị viên Tiểu đoàn 301, Tỉnh đội Đắk Lắk đã phải lòng bà. Họ nên duyên chồng vợ năm 1968, cùng động viên nhau hoàn thành trọng trách được giao và cho đến nay vẫn đồng hành, chăm sóc nhau tuổi già dù cả hai đều mang nhiều di chứng do chiến tranh gian khổ, khốc liệt…
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc