Multimedia Đọc Báo in

Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ

08:08, 07/05/2024

Từ năm 1950, trước thế tiến công và phản công mạnh mẽ của ta, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế phòng ngự bị động và bế tắc, buộc phải tính đến việc tìm lối thoát “danh dự” cho cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

Tháng 5/1953, tướng Nava được cử làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sau một thời gian nghiên cứu, thị sát tình hình chiến trường, Nava cho ra đời một kế hoạch hoàn chỉnh cả về chính trị và quân sự, trong đó kế hoạch quân sự có hai giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ Thu Đông năm 1953 đến Xuân Hè năm 1954, giữ thế phòng ngự, tránh quyết chiến với chủ lực ta, tiến hành bình định miền Nam và vùng tự do Liên khu V; tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động ở miền Bắc.

Giai đoạn 2: Từ Thu Đông năm 1954, sau khi bình định được miền Nam và xây dựng khối cơ động chiến lược, tập trung quyết chiến với chủ lực Việt Minh trên chiến trường miền Bắc nhằm tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho thực dân Pháp khi xúc tiến giải pháp chính trị kết thúc chiến tranh.

Kế hoạch Nava là nỗ lực cao nhất và cũng là cố gắng cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.

Trước âm mưu, thủ đoạn mới của địch, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh nghiên cứu và xây dựng phương án tác chiến thích hợp. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu đã xây dựng phương án tác chiến mới là đẩy mạnh chiến tranh du kích để giam chân, tiêu hao địch; đồng thời mở một số chiến dịch tiến công trên các địa bàn chiến lược những nơi địch sơ hở, buộc chúng phải điều lực lượng cơ động đến đối phó; sẵn sàng đánh tiêu diệt lớn nếu địch tiến công ra vùng tự do của ta.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/1953, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 được thông qua tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng. Liên khu ủy V đề ra chủ trương hoạt động trong Đông Xuân năm 1953 - 1954 “Nhiệm vụ củng cố, xây dựng căn cứ địa bảo vệ vùng tự do là quan trọng và chính hơn hết”.

Sau đó, trước những diễn biến mới của tình hình chiến trường, tháng 11/1953, Tổng Quân ủy xác định phương hướng chiến lược của Liên khu V và đã được Bộ Chính trị thông qua: “Tích cực và mạnh bạo phát triển vào Tây Nguyên, trước hết là ở phía bắc”. Về phía địch, tháng 12/1953, để chuẩn bị cho cuộc hành quân Atlăng, quân Pháp tập trung 40 tiểu đoàn ở chiến trường Liên khu V.

Du kích Đắk Lắk họp bàn chuẩn bị cho chiến dịch. Ảnh tư liệu

Lúc này, nhiệm vụ quan trọng nhất của Liên khu V là tiến công bắc Tây Nguyên; củng cố vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú là nhiệm vụ quan trọng thứ hai. Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy và căn cứ vào tình hình thực tiễn của chiến trường Liên khu V, tháng 12/1953, Bộ Tư lệnh Liên khu quyết định mở chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên, nhằm mở rộng vùng giải phóng, phân tán lực lượng địch (tập trung cho cuộc hành quân Atlăng), phá vỡ thế trận của chúng, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta.

Nhằm nghi binh lừa địch, Bộ Tư lệnh Liên khu đã chỉ đạo các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức lực lượng vũ trang và nhân dân hoạt động rầm rộ, tiến công các cứ điểm địch trên địa bàn, diệt tề trừ gian, làm cho địch không phán đoán được chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên của ta.

Ngày 20/1/1954, quân Pháp mở đầu cuộc hành binh Atlăng bằng cuộc càn vào tỉnh Phú Yên. Quân và dân Phú Yên được lệnh kiên quyết chặn đánh địch. Trước tình hình đó, ngày 21/1, Bộ Chỉ huy Chiến dịch bắc Tây Nguyên nhận định: Phần lớn lực lượng cơ động của địch đã tập trung ở Phú Yên, nếu đòn tiến công của ta lên Tây Nguyên không đủ sức uy hiếp mạnh thì không buộc được địch điều lực lượng lên đối phó. Từ nhận định trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm khẩn trương tiêu diệt ba cứ điểm của địch: Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy, đập tan cụm phòng ngự đông bắc Kon Tum.

Thực hiện các chỉ thị và mệnh lệnh trên, đêm 26/1, các đơn vị trên hướng đường 19 - An Khê nổ súng tiêu diệt địch, Chiến dịch bắc Tây Nguyên bắt đầu. Đêm 27/1, ta đồng loạt tiến công ba cứ điểm Măng Đen, Măng Bút và Kon Rẫy. Ngày 28/1, ta làm chủ toàn bộ ba cứ điểm. Cụm phòng ngự then chốt của quân Pháp ở bắc Tây Nguyên bị đập tan chỉ trong một đêm.

Trong bước 1 của chiến dịch Atlăng địch lấy Đắk Lắk làm căn cứ bàn đạp đánh xuống Phú Yên. Ngay từ đầu tháng 12/1954, chúng đã tập trung mở rộng căn cứ Ai Riêng, chiếm đóng lại Củng Sơn, xây dựng lại căn cứ Tuy Bình thành hệ thống tam giác án ngữ vùng giáp ranh đồng bằng và Đắk Lắk, làm căn cứ xuất phát chiếm Tuy Hòa. Để tạo điều kiện cho chủ lực tập trung tiến công địch ở bắc Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Liên khu lệnh cho Trung đoàn 84 (nay là Trung đoàn 584) tập trung đánh địch trên đường số 7, Cheo Reo, Củng Sơn, đường số 21 từ Ai Riêng đi M’Drắk. Phối hợp với Phú Yên căng kéo địch, đẩy địch vào thế bị động ngăn chặn đường tiến quân của chúng xuống Phú Yên.

Trong 3 tháng đầu năm 1954, lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk đã diệt và làm bị thương 371 tên dịch, diệt gọn 1 trung đội, phá hủy 8 xe, 1 phà, cắt 7 km dây điện thoại, thiêu hủy 1 kho dự trữ đạn dược, thu nhiều súng đạn các loại. Trong chiến công chung đó, dân quân du kích đã đánh 20 trận độc lập, sử dụng địa lôi, chông mìn diệt 28 tên, làm bị thương 53 tên, phá hủy 3 xe, cắt 7 km dây điện thoại.

Du kích Tây Nguyên luyện tập cung nỏ, phóng lao để đánh giặc trong kháng chiến chống Pháp. Ảnh tư liệu

Sau chiến thắng Plei Ring, Trung đoàn 803 được lệnh nhanh chóng tiến vào tây Cheo Reo đánh vỡ tuyến phòng thủ trên đường số 7 Cheo Reo - Blăh. Hòa chung với khí thế tiến công đều khắp chiến trường liên khu, cuối tháng 3, Trung đoàn 84 cùng du kích liên tục đánh địch trên đường số 14, tây Cheo Reo, diệt cứ điểm Hoành Chăm, tập kích cứ điểm buôn Blếch, buôn Yô, đánh địa lôi trên đường Hoành Chăm - Cheo Reo, chuẩn bị cho Trung đoàn chủ lực 803 thực hiện nhiệm vụ chiến lược Bộ Tư lệnh Liên khu giao. Nhờ có chuẩn bị của lực lượng tại chỗ nên vừa đặt chân đến địa bàn, ngày 10/4, Trung đoàn 803 đã vận động tiến công cứ điểm Trà Kê, tiếp đó tập kích buôn Ma Bép (12/4). Một tuần sau, cường tập tiêu diệt cứ điểm Ainu (19/4) và sau đó đánh tiếp trận vận động phục kích ở buôn Kà Tinh (21/4) diệt gọn 6 đại đội, phá hủy 21 xe quân sự.

Chia lửa với Trung đoàn 803, Trung đoàn 84 cùng du kích Suối Trai ngày 13/4 chặn đánh một đoàn xe địch tiếp vận cho bắc Tây Nguyên trên đoạn đường ta đã chuẩn bị sẵn từ Trà Kê đi Tân An. Bom tự tạo nổ thiêu hủy một xe chở đầy lính và phá hủy nhiều xe khác. Địch trên xe hoảng loạn nhảy hết vào rừng, sa vào mạng lưới hầm chông, cạm bẫy, mìn muỗi trên đoạn đường dài gần 2 km, 8 tên chết, 40 tên bị thương. Nhằm ngăn cản các cuộc hành quân ứng chiến của địch, hàng trăm du kích và đồng bào tập trung phá hoại đường Tân An - Trà Kê, đường số 7 từ Blăh trở xuống, cắt dây điện thoại, phá sập cầu Cà Lúi, làm tê liệt đường số 7. Hệ thống phòng ngự của địch từ Cheo Reo - Blăh hoàn toàn sụp đổ. Đường số 7 bị cắt đứt, Cheo Reo bị cô lập, địch phải dùng máy bay tiếp tế cho các cứ điểm còn lại.

Cả một vùng rộng lớn từ xã Ea Bol, Ea Klốt (M’Drắk), tây Ainu, Đất Bằng, Plei Pa, Chư Đrăng, Sông Ba (Cheo Reo), nhân dân đã đứng lên giành quyền làm chủ, chuyển sang thế đấu tranh vũ trang trở thành vùng du kích, nối liền với Plei Ya, mở ra tới tận Gia Lai. Hướng Đắk Mil, Lắk, nhất là thị xã Buôn Ma Thuột, các đội vũ trang tuyên truyền đã xây dựng được nhiều cơ sở ở các buôn, đồn điền và đường phố trong thị trấn, thị xã.

Ngày 17/2/1954, Chiến dịch tiến công bắc Tây Nguyên kết thúc. Trải qua 20 ngày đêm chiến đấu liên tục (26/1/1954 - 17/2/1954), ta đã diệt hơn 2.000 quân địch, bắt 310 tên, giải phóng tỉnh Kon Tum, buộc quân Pháp phải tạm dừng cuộc hành quân Atlăng, góp phần phân tán lực lượng cơ động chiến lược của địch. Đây là thắng lợi lớn của quân và dân Liên khu V trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954. Với thắng lợi này, vùng giải phóng đã mở rộng liên hoàn từ Quảng Nam - Quảng Ngãi lên Kon Tum sang Hạ Lào. Chiến trường Đông Dương đối với địch đã bị cắt đôi, thế trận phòng ngự của địch bị phá vỡ. Ta dồn địch vào thế phòng ngự bị động.

Âm mưu của địch là tập trung quân tạo “quả đấm thép” quyết chiến với chủ lực Liên khu V ở đồng bằng, đánh chiếm vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú. Với phương châm tác chiến sát đúng, cách đánh linh hoạt, chủ động, phối hợp với diễn biến tình hình, các đơn vị bộ đội chủ lực Liên khu lại đánh mạnh lên bắc Tây Nguyên, đập tan cụm phòng ngự của địch ở đông bắc Kon Tum, giải phóng thị xã Kon Tum. Thế trận của quân Pháp bị phá vỡ, chúng buộc phải đánh theo cách của ta. Quân và dân Liên khu V chủ động tiến công địch liên tục, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch, giải phóng nhân dân, giải phóng đất đai, góp phần cùng cả nước kìm giữ địch, làm phân tán lực lượng chủ lực cơ động của địch, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ thuận lợi, phối hợp một cách có hiệu quả nhất với chiến trường Điện Biên Phủ.

Cùng với cả nước, quân và dân Liên khu V nói chung cùng quân dân các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng không những đã giành và giữ được thế chủ động tiến công, mà còn giáng cho địch những đòn đánh táo bạo, quyết liệt, làm cho địch bị tổn thất nặng nề, làm thế trận của chúng bị phá vỡ. Quân Pháp từ thế chủ động mở cuộc hành quân Atlăng vào Phú Yên, Bình Định, sau đó buộc phải rút lực lượng về co cụm phòng ngự, bị động chống đỡ những đòn tiến công của ta ở Tây Nguyên; âm mưu bình định vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú, xây dựng lực lượng cơ động mạnh của Nava bị thất bại.

Đánh bại cuộc hành quân Atlăng, quân và dân Liên khu V đã góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Liên khu V là một trong những chiến trường giành được thắng lợi rực rỡ nhất trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954 phối hợp rất đắc lực với chiến trường Điện Biên Phủ” cùng cả nước kết thúc thắng lợi chín năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược..

Đại tá Trần Minh Trọng

Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh


Ý kiến bạn đọc