Multimedia Đọc Báo in

Kỷ vật thiêng liêng của người chiến sĩ Điện Biên

09:11, 05/05/2024

Cụ Nguyễn Xuân Toản (trú tại 112/14 Nguyễn Văn Linh, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) năm nay tròn 98 tuổi.

Ở cái tuổi non thế kỷ nhưng cụ Toản vẫn còn minh mẫn lắm, những ký ức về một thời trận mạc, về chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa dường như vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của cụ…

Cụ Toản vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội.  Ảnh chụp lại: D. Xuân

Năm 1950, chàng trai Nguyễn Xuân Toản khi ấy 24 tuổi (quê ở xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) nhập ngũ thuộc đoàn 44, sau này là Trung đoàn 47.

Năm 1952, anh được điều động về đoàn 99 để chuẩn bị thành lập trung đoàn pháo cao xạ. Thời điểm này, anh cùng đồng đội được cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) học cách sử dụng pháo cao xạ 37 li.

Đầu năm 1954, Nguyễn Xuân Toản cùng đồng đội trở về căn cứ địa Việt Bắc sau hai năm học tập.

Trong buổi đón anh em chiến sĩ pháo binh tại Thái Nguyên, Nguyễn Xuân Toản đã vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những lời căn dặn của Bác và Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh cho anh và các chiến sĩ pháo binh chuẩn bị bước vào trận quyết chiến chiến lược có một không hai trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam – Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sĩ quan pháo binh Nguyễn Xuân Toản được cấp trên giao chỉ huy một khẩu đội cao xạ 37 ly thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 (nay là Sư đoàn 367, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhớ về đơn vị cũ, cụ Toản không giấu nổi xúc động khi nhắc đến người đồng đội, Anh hùng Tô Vĩnh Diện với hành động dũng cảm lấy thân mình chèn vào càng pháo, ghìm giữ không cho khẩu pháo rơi xuống vực sâu.

“Mình chỉ là hạt cát trong sa mạc, nhưng rất tự hào vì đã có mặt trong trận chiến lịch sử. Đặc biệt vinh dự là ngay trong ngày đầu chiến dịch 13/3/1954, pháo binh chúng tôi được lệnh đồng loạt khai hỏa, bắn dồn dập vào cứ điểm Him Lam, làm hiệu lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trước hỏa lực dữ dội của pháo binh ta, Trung tá Charles Piroth, một sĩ quan dạn dày kinh nghiệm - chỉ huy trưởng lực lượng pháo binh Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ - đã buộc phải tự sát bằng cách cho nổ một trái lựu đạn trên ngực”, cụ Toản kể.

Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ do họa sĩ Nguyễn Bích cùng họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ, thiết kế theo ý tưởng và yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay từ khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chưa kết thúc. Trên huy hiệu, nổi bật là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng". Ở vị trí trung tâm, trên nền vàng là hình ảnh người chiến sĩ đầu đội mũ nan lưới đang cầm súng hướng về phía trước. Bên trái là hình ảnh nòng pháo cao xạ vươn cao trong tư thế sẵn sàng. Phía sau là cảnh rừng núi, bầu trời và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi dấu thời gian diễn ra trận đánh lịch sử. Dòng chữ “Chiến sĩ Điện - Biên - Phủ” màu đỏ nổi bật trên nền xanh hình vòng cung ôm trọn nửa dưới của huy hiệu.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh non trẻ của quân đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh, khống chế sân bay, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện có hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch vào chiều mồng 7/5/1954, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một số chiến sĩ tiêu biểu đại diện cho các Đại đoàn được Bộ Chỉ huy mặt trận cử về báo cáo thành tích lên Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại cuộc gặp mặt, Bác Hồ đã trao tặng các chiến sĩ những phần thưởng cao quý, trong đó có Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Đây là phần thưởng vô giá mà Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng những cán bộ và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cụ Toản run run khi mở chiếc hộp đựng những kỷ vật vô giá của một thời trận mạc, lấy ra tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ đã nhuốm màu thời gian cho chúng tôi xem. Cụ chỉ vào một chi tiết trên huy hiệu nói: “Pháo binh bọn mình cũng được chọn làm biểu tượng của huy hiệu đấy”.

Tôi cảm nhận được trong giọng nói của cụ niềm tự hào của người cựu chiến binh đã dành trọn tuổi thanh xuân đi qua những năm tháng hào hùng của hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Với những người lính như cụ Toản, tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ là kỷ vật thiêng liêng, là tài sản vô giá. Hành trang mà cụ để lại cho con cháu chính là những kỷ vật ghi dấu ấn chiến công của một thời trận mạc.

Năm 1978, cụ Nguyễn Xuân Toản chuyển vào công tác tại UBND tỉnh Đắk Lắk, là cán bộ Ban thi đua, khen thưởng tỉnh cho đến lúc nghỉ hưu.

Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc