Con đường của ý chí và khát vọng thống nhất non sông
Ngay sau khi Hiệp định Genève ký kết, trước âm mưu xâm lược của Mỹ và chính sách đàn áp, khủng bố của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam lên đến đỉnh cao, đặt các lực lượng cách mạng miền Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước sự lựa chọn khắc nghiệt.
Để kịp thời đối phó với tình hình và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống Mỹ - Diệm, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã triệu tập Hội nghị lần thứ 15 để bàn phương hướng cách mạng miền Nam.
Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (lần thứ nhất họp vào giữa tháng 1/1959) xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam là vừa đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang để tiêu diệt sinh lực địch, cùng nhiệm vụ chiến lược: Tập trung giải phóng miền Nam, xây dựng và bảo vệ miền Bắc…
Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. (Ảnh tư liệu) |
Có thể nói, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (khóa II) đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng cho cách mạng ở cả hai miền, đặc biệt thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cho cách mạng miền Nam, phù hợp với tâm tư và nguyện vọng của cán bộ, nhân dân miền Nam, có ý nghĩa lớn lao đối với sự phát triển cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau Hội nghị Trung ương 15 (họp lần thứ hai vào đầu 5/1959), Tổng Quân ủy Trung ương khẩn trương họp bàn việc xây dựng lực lượng vũ trang miền Nam, chuẩn bị tìm cách đưa một bộ phận quân đội cùng với vũ khí, đạn dược, vật tư... vào chi viện cho chiến trường miền Nam một cách bí mật, an toàn, tránh sự kiểm soát, phát hiện của địch.
Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập “Đoàn quân sự đặc biệt” (còn gọi Đoàn 559) do Đại tá Võ Bẩm chỉ huy, có nhiệm vụ mở xuyên đường Trường Sơn vào Nam, nhằm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, vận chuyển vật chất và binh lực từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam. Và cũng chính từ đây, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được hình thành, là mạch máu giao thông quan trọng, góp phần quyết định vào sự thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Sau một thời gian quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, dưới sự lãnh đạo trực tiếp từ Tư lệnh – Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, con đường trở thành tuyến vận tải cơ giới ngày một nối dài, vươn xa với quy mô trải dài cả Đông đến Tây Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc ba nước Đông Dương, tạo nên một hệ thống liên hoàn và vững chắc.
Đến giữa thập niên 1960, khi Mỹ trực tiếp đổ quân tham chiến vào miền Nam thì việc đánh phá, ngăn chặn đường Trường Sơn được thực hiện bằng nhiều phương pháp hoàn toàn mới, với nhiều vũ khí và phương tiện mà trên thế giới chưa từng biết tới.
Bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình, mưa bom bão đạn trong suốt 16 năm (1959 - 1975), từ sau năm 1964, đường Trường Sơn vẫn được phát triển, mở rộng, vươn ra các chiến trường bằng mọi ngả. Với trí và lực của hàng triệu khối óc, con tim, chúng ta đã xây dựng được hơn 16.700 km đường bộ, hơn 500 km đường sông và 1.400 km đường ống dẫn xăng dầu, 1.350 km đường dây hữu tuyến liên lạc và thiết bị tiếp sức, tổ chức hành quân đi bộ và cơ động bằng cơ giới, đưa hơn 2 triệu quân vào chiến trường, vận chuyển, chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược và lương thực...
Với sự dũng cảm và chiến công huyền thoại từ Trường Sơn, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam – Bắc; là con đường đoàn kết các dân tộc của ba nước Đông Dương…”.
Và, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: “Đường Trường Sơn – con đường Hồ Chí Minh, là một công trình vĩ đại nói lên ý chí và nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn…”.
Đường Hồ Chí Minh là sự sáng tạo độc đáo về chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, đúng như lời nhận định của nhà báo Pháp Jacques Despuech: “Kỳ tích này như một cái gì vượt trội nhiều lần so với những kỳ tích của tướng Aniban thời cổ đại, với những voi chiến vượt qua núi Apenin, và của tướng Bonaparte thời cận đại mang cả trọng pháo vượt qua đèo Saint Bernard trên núi Alpe, vì nó không chỉ là việc của các viên tướng tài mà là do cả một dân tộc tiến hành”…
Minh Đăng
Ý kiến bạn đọc