Multimedia Đọc Báo in

Giữ mạch thông tin xuyên Trường Sơn

19:37, 27/05/2024

Gặp đồng đội vào những ngày kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2024), cựu chiến binh Trần Xuân Hưng nhớ về một thời gian khổ, vượt mọi khó khăn, cùng anh em bảo vệ bằng mọi giá thông tin liên lạc của đơn vị.

Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên vận hành hệ thống vô tuyến điện của Sư đoàn 470, Đoàn 559, đứng chân tại Tây Nguyên.

Ông Hưng sinh năm 1947 ở Nam Định. Năm 17 tuổi, ông viết đơn xin nhập ngũ và được cử đi học vô tuyến điện. Đến năm 1966, ông về công tác tại Trường Sĩ quan Lục quân. Tháng 4/1970, khi thành lập Sư đoàn 470, ông được giao phụ trách thông tin vô tuyến điện báo, để bắt liên lạc giữa Sư đoàn 470 với Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần, cũng như trực tiếp vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (thứ ba từ phải sang) kiểm tra Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 tháng 12/1974. Ảnh tư liệu

Ông Hưng cho biết, hệ thống thông tin liên lạc có tầm quan trọng đặc biệt nên những địa điểm nghi ngờ có sóng liên lạc của quân ta đều bị địch đánh phá rất ác liệt.

Tổ đội của ông có 7 người, bao gồm: 3 người phụ trách liên lạc, trong đó, ông là đội trưởng, 2 người báo vụ và 2 người xoay điện. Khi hành quân, bên cạnh súng, lương khô, tăng võng, dao, xẻng, các ông còn mang hệ thống máy lên đến 60 kg. Đường dây được xây dựng bằng nhiều phương thức khác nhau như vô tuyến, hữu tuyến, tải ba, tiếp sức, bộ đàm sóng ngắn…

Đài thông tin có hệ thống dây ăng-ten với 2 dây xẻ ngang để phát sóng và 2 dây chôn xuống đất. Bình thường, chỉ cần chôn dây xuống đất khoảng tầm 15 m, nhưng với khoảng cách đó máy bay địch sẽ dò ra tọa độ, nên lính thông tin thường nối thêm dây bọc xuống đất, kéo dài thêm hơn 20 m nữa để hút bom về vị trí đó…

Ông Hưng kể: “Chỉ cần phát hiện manh mối nhỏ là máy bay địch đánh ác liệt nhằm triệt hạ hệ thống liên lạc của ta. Đội của tôi nhiều trận bị vùi dập, riêng bản thân tôi bị thương ở mắt, một mảnh bom găm vào ngực chỉ mới lấy một phần mảnh lớn, còn các mảnh nhỏ chưa lấy ra hết. Tôi sống đến bây giờ là may mắn lắm! Chỉ thương các anh, em…”.

Cựu chiến binh Trần Xuân Hưng (thứ tư từ phải sang) nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào tháng 5/2024.

Tháng 12/1974, nghe cấp trên thông báo tập trung, ông Hưng và mọi người đều mừng vui khi Đại tướng Văn Tiến Dũng đến kiểm tra Trung đoàn 4, Sư đoàn 470 về công tác hậu cần làm ngầm cho xe tăng, phà tại Bến phà ngầm Sêrêpốk và công tác chuẩn bị cho Chiến dịch Tây Nguyên. Đại tướng Văn Tiến Dũng đã động viên, quán triệt nhiệm vụ, tặng cho mỗi chiến sĩ một gói quà rồi nhấn mạnh: “Đây là quà của Quân ủy Trung ương tặng các đồng chí ăn mừng chiến thắng”. Ông Hưng chia sẻ: “Lúc này, tuy chưa đánh nhưng với sự khẳng định đó, chúng tôi như vững tin hơn về một chiến thắng đã gần kề”.

Ngày 25/3/1975, ông Hưng tiếp quản nhiệm vụ tại Buôn Ma Thuột. Chỉ hơn một tháng sau đó, ngày 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, non sông thu về một mối. Với những công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Trần Xuân Hưng đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. 65 năm đã trôi qua nhưng những tháng ngày chiến đấu ở Trường Sơn vẫn vẹn nguyên trong trái tim người cựu binh.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động
Tại Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động tỉnh năm 2024 diễn ra sáng 3/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.