Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Với tiêu đề “Quân đội Nhân dân Lào góp phần quan trọng vào Chiến thắng Điện Biên Phủ”, bài viết trên báo Pasaxon nhấn mạnh, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng của cả nhân dân Lào và Campuchia đã liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung để giải phóng dân tộc.
Chiến thắng này dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, buộc chính quyền thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva 1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trên ấn phẩm khác của báo Pasaxon có tiêu đề “70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhân dân Việt Nam phát triển toàn diện”, bài viết khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, được lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới ghi nhận trong thế kỷ XX.
Bài viết cũng chỉ ra những bài học quý báu được rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ chính là lý luận soi đường, là bài học thực tiễn sinh động mà các chiến sĩ cách mạng Lào đã vận dụng một cách linh hoạt trong cách mạng Lào và cũng là minh chứng trong thực tế việc thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ở thời điểm đó.
Trên trang điện tử của Thông tấn xã Lào có bài viết với tiêu đề “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” nêu bật Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lừng lẫy nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng, được lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới ghi nhận trong thế kỷ XX vì đã đập tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc; làm sáng tỏ một chân lý rằng, một dân tộc nửa thuộc địa, nửa phong kiến, đất đai không rộng, dân số không đông, kinh tế lạc hậu, chậm phát triển, lực lượng quân sự nhỏ, phương tiện vũ khí ít ỏi nhưng nếu có sự đoàn kết vững chắc, có sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, biết huy động và sử dụng lực lượng vũ trang nhân dân để tiến hành chiến tranh nhân dân, có thể đánh thắng kẻ thù xâm lược có nền tảng kinh tế và quân sự mạnh hơn và hiện đại hơn rất nhiều lần.
Một phần bức tranh toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Ảnh: NhânDân |
Trên báo điện tử của Đài Phát thanh Quốc gia Lào cũng có bài viết với tiêu đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ thúc đẩy phong trào giải phóng và thành lập nước CHDCND Lào”.
Bài viết cho biết, trong suốt 70 năm qua, từ khi Chiến thắng Điện Biên Phủ giành thắng lợi, người dân Việt Nam đã đạt được sự phát triển toàn diện và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Ổn định chính trị được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được nâng cao, nhân dân một lòng tin tưởng và đi theo Đảng. Về kinh tế, Việt Nam liên tục tăng trưởng và ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh đã giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất đất nước và toàn vẹn lãnh thổ; đối ngoại được mở rộng, vị trí, vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế…
Ngoài ra, trên Đài Phát thanh Quốc gia, Đài Truyền hình Quốc gia của Lào cũng đăng phát nhiều tin, bài, phỏng vấn về hoạt động chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tất cả đều khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, không chỉ là chiến thắng, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam anh em, của các nước trên Bán đảo Đông Dương nói riêng, mà còn là chiến thắng và niềm tự hào của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung.
Trong bài viết có tựa đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ: Âm hưởng trường tồn”, Voces Del Periodista - diễn đàn của 45.000 nhà báo chuyên nghiệp tại Mexico khẳng định, quyết định thay đổi phương châm tác chiến được coi là một quyết định lịch sử trong một chiến dịch lịch sử, phản ánh một quá trình tư duy quân sự sắc sảo và xử lý thực tiễn linh hoạt, đầy sáng tạo và đây cũng là “chìa khóa”, là nhân tố quyết định bảo đảm thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Mở đầu bài viết trên Voces Del Periodista, tác giả Mouris Salloum George nêu rõ, sau 56 ngày đêm kiên cường chiến đấu, đào núi, ngủ hầm, quân và dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi hi sinh, thử thách để tiêu diệt căn cứ quân sự mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Sau 70 năm, dư âm Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ 20.
Trong bài viết, tác giả Mouris Salloum George, đồng thời là Chủ tịch Hội Nhà báo Mexico chỉ rõ, một trong những yếu tố quyết định của Chiến thắng Điện Biên Phủ là tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam, điều mà chính viên chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp, đã thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp rằng “Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc”.
Theo nhà báo Mouris Salloum George, kiêm Tổng Biên tập Voces Del Periodista, đây chính là sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân và được lãnh đạo một cách tuyệt vời, đầy khéo léo, mang đến nguồn cổ vũ lớn lao cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập, trong đó có nhiều nước tại châu Phi và Mỹ Latin.
Cuối bài viết, Voces Del Periodista khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên bước ngoặt quan trọng cho cách mạng Việt Nam, dẫn đến việc ký kết Hiệp định Geneva nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở khu vực Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội quân này đã không ngừng lớn mạnh. Đây cũng là tiền đề để sau đó 21 năm, Việt Nam tiếp tục chiến thắng trong cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước.
Trong bài viết đăng trên đặc san của hãng thông tấn Mỹ Latin Prensa Latina, Tiến sĩ Chính trị học, nguyên Giám đốc Quan hệ quốc tế của Phủ Tổng thống Venezuela Sergio Rodríguez Gelfenstein đã nêu bật những đóng góp của Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân.
Theo nhà nghiên cứu nổi tiếng này, Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với cuộc chiến giành độc lập của Algeria kết thúc năm 1962 và trận Cuito Cuanavale của liên quân Cuba-Angola năm 1988 là những chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống chế độ thực dân châu Âu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên thế giới.
Ông Gelfenstein khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneva đánh dấu thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp ở Đông Dương, ngăn chặn kế hoạch mở rộng chế độ thực dân tại Đông Nam Á, đồng thời cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.
Theo NhânDân
Ý kiến bạn đọc