Multimedia Đọc Báo in

Xe tăng 377: Bảo vật quốc gia ở Đắk Tô

08:10, 09/06/2024

Trong khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh (huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum), chiếc xe tăng T59 số hiệu 377 với hàng trăm vết đạn trên thân được đặt ở vị trí rất trang trọng, hằng ngày có rất đông du khách đến tham quan.

Bên chiếc xe tăng kiêu hãnh vươn nòng pháo lên trời xanh, anh Nguyễn Nhật Quang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đắk Tô giới thiệu: “Chiến thắng Ðắk Tô - Tân Cảnh (tháng 4/1972) được coi là trận đánh tiêu biểu trong chiến thuật “đánh nhanh”, “diệt gọn” của bộ đội ta, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên. Trong chiến dịch này, xe 377 đã lập công xuất sắc khi bắn cháy 7 chiếc xe M41 của đối phương”.

Ðại tá Ðỗ Quang Thành, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp; nguyên kỹ thuật viên kiêm lái xe tăng Ðại đội 7, Tiểu đoàn 297, Trung đoàn xe tăng 203 (Binh chủng Tăng thiết giáp) kể lại: Năm 1971, Ðại đội xe tăng 7 nhận lệnh hành quân từ Hòa Bình vào Quảng Bình để tham gia Chiến dịch Ðường 9 Nam Lào. Hoàn thành nhiệm vụ, Đại đội được trang bị thêm 8 chiếc T59 mới, trong đó có xe 377, là hàng viện trợ của Trung Quốc, để thay thế cho những chiếc xe tăng vừa bị địch bắn cháy và hư hỏng nặng, sau đó khẩn trương cơ động vào chiến trường bắc Tây Nguyên, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Ðúng 4 giờ 30 ngày 24/4/1972, quân ta nổ súng tiến công căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh. Với hỏa lực mạnh, những chiếc xe tăng dũng mãnh vượt qua các lớp rào thép gai, chi viện, dẫn dắt bộ binh xung phong tiêu diệt, đánh chiếm các mục tiêu ở bên trong.

Cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đắk Tô và các bạn trẻ bên Bảo vật quốc gia - xe tăng 377.

Trên hướng tây bắc, ngay từ loạt đạn đầu, xe 377, 352 đã bắn sập khu tháp nuớc, đài quan sát. Sau khoảng 3 giờ chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, ta tiêu diệt phần lớn sinh lực địch ở Tân Cảnh. Qua đài vô tuyến, Ðại đội trưởng Đại đội 7 giao nhiệm vụ cho Trung đội 3 (gồm các xe 377, 354, 369) tiếp tục phát triển tiến công. Tuy nhiên, do chạy nhanh và cách xa đội hình, xe tăng 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển trực tiếp chỉ huy đã bị 10 chiếc M41 của địch chia làm hai mũi hợp vây. Không hề nao núng, kíp xe vừa khéo léo tiến lên, lùi xuống, vòng trái, quẹo phải, tránh làn hỏa lực, vừa liên tục ngắm bắn, khiến địch bị rối loạn đội hình, mất khả năng chiến đấu.

Sau trận đánh, không thấy xe 377 quay về vị trí tập kết, ông Nguyễn Hợp Quần, lái xe 354 và ông Phạm Hải Du, thợ sửa chữa của Ðại đội 7 vội quay lại Đắk Tô tìm kiếm. Khi trèo vào trong thân xe, họ phát hiện ở các vị trí thành viên chỉ còn lại một ít tro cốt của bộ đội ta đã bị cháy đen, riêng ở ghế lái vẫn còn hai bàn tay chưa cháy hết. Giấu nước mắt vào trong, họ cố thu gom, đưa thi thể các đồng đội về đơn vị làm lễ truy điệu, an táng và chôn cất ngay tại đồi Tân Cảnh. 

5 năm sau trận đánh, xe tăng 377 được UBND huyện Đắk Tô đưa về bảo quản, sau đó tiếp tục đầu tư, sơn sửa và mang ra trưng bày ở khuôn viên Tượng đài Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh. Năm 2017 và 2019, theo chỉ đạo của cấp trên, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 273 (Quân đoàn 3) đã bổ sung thêm thùng nhiên liệu phía ngoài; chắn bùn phía trước, phía sau; sửa chữa, thay thế giá súng 12,7 mm và các vị trí bị hư hỏng của xe 377.

Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của kíp xe 377, ngày 9/1/2009, Chủ tịch nước đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các thành viên trên kíp xe, gồm các liệt sĩ: Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển - Trung đội trưởng; Hạ sĩ Nguyễn Đắc Lượng - Pháo thủ 1; Hạ sĩ Hoàng Văn Ái - Pháo thủ 2 và Trung sĩ Trần Quang Vinh - Lái xe. Đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận xe tăng 377 là Bảo vật quốc gia.

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng những chiến công oai hùng của xe tăng 377 và 4 anh hùng, liệt sĩ trong kíp xe vẫn được đồng bào Tây Nguyên nhắc nhớ, khắc ghi...

Hà Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.