Multimedia Đọc Báo in

Điện Kiến Trung và ngày cuối cùng của vua Bảo Đại

08:53, 28/08/2024

1. Điện Kiến Trung (Đại Nội Huế) là công trình kiến trúc nằm trong Tử Cấm thành, do vua Khải Định xây dựng vào năm 1921 trên nền lầu Du Cửu, hoàn thành vào năm 1923, theo lối kiến trúc cổ điển Pháp, kết hợp với phong cách Ý thời Phục hưng và kiến trúc cổ truyền Việt.

Ngôi điện là nơi làm việc và chỗ ở của nhà vua. Ngày 6/11/1925, vua Khải Định băng hà tại ngôi điện lộng lẫy này.

Bảo Đại kế vị và kết thúc du học tại Pháp trở về nước chấp chính (1932). Vị vua Tây học này tiến hành cải tổ bộ máy triều chính cùng một số nghi thức triều đình so với thông lệ cũ của các tiên đế. Đặc biệt, vua Bảo Đại đã cho sửa sang lại nội thất bên trong điện Kiến Trung như: Xây thêm buồng tắm, toilet, thiết kế các tiện nghi theo lối sống phương Tây… phục vụ cho hoạt động triều chính diễn ra hằng ngày, cùng cuộc sống sinh hoạt của gia đình nhà vua (Hoàng đế Bảo Đại cùng Hoàng hậu Nam Phương và các con).

Một số bàn ghế, vật dụng bài trí trong điện được nhà vua đặt làm tại Paris từ nhà thiết kế nổi tiếng Jules Leleu. Điện Kiến Trung đã gắn liền với đời sống, sinh hoạt của nhà vua cho đến những ngày cuối cùng triều đại nhà Nguyễn cáo chung (30/8/1945).

Trong kháng chiến chống Pháp, điện Kiến Trung cùng một số công trình khác trong Hoàng thành Huế đã bị san phẳng do bom đạn cày xới. Mãi đến năm 2019, điện Kiến Trung mới được khởi công phục hồi nguyên trạng và hoàn thành vào cuối năm 2023. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc – nghệ thuật độc đáo, điện Kiến Trung còn lưu dấu lịch sử về những ngày cuối cùng của Hoàng đế Bảo Đại.  

Điện Kiến Trung (Đại nội Huế) vừa được phục dựng vào cuối năm 2023. Ảnh: VGP

2. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám diễn ra, đặc biệt sau ngày Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện (15/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh, không khí khởi nghĩa giành chính quyền, lật đổ ách thống trị của thực dân – phong kiến trên cả nước trở nên sôi sục, đặt triều đình nhà Nguyễn trước sự sụp đổ không thể cứu vãn.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc tại Tân Trào (15/8/1945), bắt đầu từ 21/8/1945, phong trào Việt Minh bùng nổ tại Huế, tạo sự chuyển biến mau lẹ, buộc Chính phủ Đế quốc Việt Nam của Trần Trọng Kim tan rã, cùng sự chấp nhận thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại trước yêu cầu của Việt Minh. Trong những ngày này, tại điện Kiến Trung, vua Bảo Đại cùng nội các vô cùng hoang mang, liên tiếp nhận được những lời đề nghị và tối hậu thư từ Việt Minh Thừa Thiên và của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ Hà Nội điện vào) đòi nhà vua nhanh chóng thoái vị, bàn giao chính quyền cho Chính phủ (thông qua Ủy ban khởi nghĩa).

Trước tình thế không thể lựa chọn, vua Bảo Đại nhiều lần họp nội các và giao cho Hoàng Tùng đệ Vĩnh Cẩn cùng Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Phạm Khắc Hòe thảo Chiếu thoái vị và đứng ra làm liên lạc với Việt Minh để phúc đáp những yêu cầu của họ.

Chiếu thoái vị có những lời lẽ thống thiết: “Hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, độc lập của nước Việt Nam. Muốn đạt được mục đích ấy, trẫm tuyên bố sẵn sàng hy sinh tất cả mọi phương diện, và cũng vì mục đích ấy, nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.

Xét thấy điều bổ ích nhất cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết của toàn quốc dân… mặc dù trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn…, mặc dù trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm trời, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng, chưa làm được gì cho lợi ích quốc dân như lòng trẫm muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho Chính phủ Dân chủ Cộng hòa…”. Toàn văn Chiếu thoái vị được niêm yết công khai tại Phu Văn Lâu vào ngày 25/8/1945 để toàn dân rõ.

Ngày 29/8/1945, đoàn đại biểu Chính phủ do đồng chí Trần Huy Liệu dẫn đầu vào Huế dự Lễ mít tinh chào đón phái đoàn vào nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại sân vận động Huế. Đến 16 giờ 30, phái đoàn vào điện Kiến Trung gặp nhà vua để bàn bạc về lễ thoái vị.

Đến 16 giờ ngày 30/8, từ điện Kiến Trung, vua Bảo Đại trong triều phục hoàng bào ra lầu Ngũ Phụng đón phái đoàn Chính phủ, sau đó tuyên đọc Chiếu thoái vị trước hàng vạn đồng bào.

Đọc xong Chiếu thoái vị, vua Bảo Đại mời đại diện phái đoàn Chính phủ tiếp nhận ấn, kiếm bằng vàng – biểu tượng quyền lực của vương triều, chấm dứt 100 năm đô hộ của thực dân và hàng nghìn năm của chế độ quân chủ ở nước ta.

Cùng lúc đó, lá cờ vàng ba sọc trên Kỳ đài từ từ hạ xuống, thay vào đó, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trong niềm xúc động ngậm ngùi của nhà vua trước những tràng pháo tay như sấm dậy. Tiếp theo, đại diện Chính phủ tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách ưu việt của thể chế dân chủ cộng hòa, đồng thời cài lên ngực áo cựu hoàng Huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Bảo Đại chính thức trở thành công dân Vĩnh Thụy của đất nước Việt Nam độc lập.

Từ thời khắc này, đền đài, cung điện một thời vàng son trở nên yên ắng, man mác nỗi buồn trong tiếng tụng kinh, gõ mõ của đức Từ Cung. Hôm sau, hoàng thái hậu Từ Cung cùng các cháu dọn ra cung An Định sinh sống, hoàng hậu Nam Phương rời điện Kiến Trung ra cung An Định 24 giờ sau đó. Riêng cựu hoàng Bảo Đại ở lại điện Kiến Trung cho đến ngày 1/9/1945, mới trở ra cung An Định trước lúc lên đường ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.  

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc