Bác Hồ để lại muôn vàn tình thương yêu
Đã 55 năm trôi qua từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “về với thế giới người hiền”, nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, cho toàn thể nhân dân ta và cho bầu bạn khắp năm châu bản Di chúc bao la tình nhân ái, thể hiện tinh thần đạo đức cách mạng cao cả và những lời căn dặn ân cần mang tính thời đại, nóng hổi trong mỗi việc làm, trong mỗi bước đi mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thực hiện.
Bản Di chúc của Bác là tâm sự của một người suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc và nhân dân, là tấm lòng chung thủy với các nước anh em và với bầu bạn khắp năm châu, bốn biển.
Sinh thời, hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Tổ quốc được độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”...
Cuộc đời của Người đã dành tất cả lòng hiền từ, ấm áp cho đồng bào, con cháu, già trẻ, gái trai, miền Nam, miền Bắc, miền xuôi, miền ngược...; để khi mất đi, trong bản Di chúc của mình, Bác không quên “Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”… Cuộc đời của Bác là vậy, suốt đời chỉ biết chăm lo cuộc sống của nhân dân, không gợn chút riêng tư.
Xưa nay, các cụ ta đến tuổi “xế chiều” thường hay viết di chúc để lại cho con cháu mai sau về những điều mình mong muốn, những điều mình chưa làm được để con cháu thấy được và làm theo, đó là đạo lý, sự hiếu nghĩa đối với cha ông.
Bản Di chúc, những lời căn dặn cuối cùng của Bác Hồ chúng ta là một trường hợp hiếm có trên thế giới này. Biết mình tuổi cao, sức khỏe giảm sút, không còn phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân nhiều hơn nữa và lâu hơn nữa, Người đã dành nhiều thời gian và suy nghĩ để viết bản Di chúc, phòng khi đột ngột “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”.
Trong toàn bộ Di chúc, Bác không chú ý nhiều đến bản thân mình, mà chỉ tập trung chủ yếu vào công việc chăm lo sự nghiệp của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân. Trong Di chúc, Người đã căn dặn cụ thể nhiều vấn đề trọng yếu cho Đảng, cho dân. Còn về phần mình, Bác lại rất khiêm tốn, không một chút trăn trở riêng tư. Cái riêng của Bác được hòa vào cái chung, cái cao cả “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp cách mạng. Nay phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận. Chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”…
Bác Hồ viết bản Di chúc. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước |
Tinh thần cộng sản và tình nhân ái bao la của Người là mẫu mực nhất cho các thế hệ Việt Nam học tập noi theo. Sự nghiệp cách mạng của Bác được minh chứng ngay từ khi bắt đầu chỉ ra cho dân tộc Việt Nam ta con đường “Kách mệnh”, Bác Hồ đã chú trọng trước hết là giảng giải cho những người cách mạng bài học vỡ lòng rất quan trọng về “tư cách của người cách mạng” và cho đến khi từ biệt thế giới này, qua bản Di chúc, Người vẫn chú ý nhắc nhở việc giáo dục cán bộ, đảng viên trau dồi đạo đức cách mạng, tăng cường tình đoàn kết nhân ái thủy chung.
Thấm thía, xúc động biết bao khi chúng ta đọc lại điều mong muốn cuối cùng của Bác trong đoạn cuối của bản Di chúc: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”
Bản Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, được kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là những lời lẽ đầy trí tuệ, nói lên tất cả tấm lòng nhân ái của Người để lại cho muôn đời con cháu mai sau, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già”...
Nguyễn Đình Dũng
Ý kiến bạn đọc