Quân dân Đắk Lắk đấu tranh góp phần buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán ở Paris
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân dân Đắk Lắk đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại với nhiều bài học kinh nghiệm, góp phần tạo nên một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình đấu tranh cách mạng.
Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã Buôn Ma Thuột là một căn cứ quân sự lớn của địch, là đầu não của Sư đoàn 23 bộ binh. Để bảo vệ Buôn Ma Thuột, Mỹ -ngụy xây dựng một hệ thống phòng thủ vững chắc và một hệ thống tề điệp dày đặc với những phương tiện cơ động nhanh, hỏa lực mạnh, chiếm giữ những nơi hiểm yếu trong nội thị.
Tháng 11/1967, Mặt trận Tây Nguyên họp liên tịch với ba tỉnh Tây Nguyên bàn kế hoạch phối hợp, tấn công và nổi dậy, trọng điểm của đợt tấn công ở Tây Nguyên là thị xã Buôn Ma Thuột và Kon Tum. Theo đó, cuối năm 1967, Tỉnh ủy Đắk Lắk họp bàn kế hoạch, bí mật, khẩn trương chuẩn bị cho đợt hoạt động, tập trung vào chiến trường, trọng điểm là thị xã Buôn Ma Thuột.
Về lực lượng khi tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột gồm chủ lực có Trung đoàn 33 (gồm 4 tiểu đoàn), Tiểu đoàn 39 hỏa tiễn (DKB) do Mặt trận Tây Nguyên tăng cường. Tỉnh có Tiểu đoàn 301 bộ binh, Tiểu đoàn 401 đặc công, Đại đội 314 hỏa lực. Bộ đội huyện mỗi nơi có 1 trung đội. Lực lượng của thị xã có Đội V12, Đội tự vệ mật cùng lực lượng hoạt động hợp pháp và bí mật trong cơ sở quân sự, hành chính của ngụy. Du kích toàn tỉnh có 1.200 người. Trong thị xã Buôn Ma Thuột, cơ sở chính trị của ta khá mạnh, có trên 200 trung kiên cốt cán, có đội tự vệ mật đã hoạt động diệt ác, trừ gian.
Về hậu cần, trong vòng một tháng, ta đã động viên nhân dân đóng góp được hơn 300 tấn gạo, thực phẩm, thuốc men y tế... Lợi dụng thời gian chuẩn bị Tết bằng con đường công khai, người dân đi mua bán giữa vùng ven và thị xã, cơ sở nội tuyến của ta đã chuyển hết số lương thực thực phẩm trên ra căn cứ. Tổ chức đường dây bí mật đưa truyền đơn, cờ, vũ khí, chất nổ, đạn dược vào thị xã.
Máy bay vận tải C.119 của Mỹ ở Sân bay Tân Sơn Nhất bị đạn súng lớn của quân giải phóng phá hủy (2/1968). Ảnh: Tư liệu TTXGP |
Nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của địch, đêm 4/1/1968 bộ đội ta tập kích vào sân bay Buôn Ma Thuột đánh sập 2 lô cốt, diệt 73 tên địch, phá hủy 15 máy bay. Cùng đêm, bộ đội đặc công đánh vào Dinh tỉnh trưởng Đắk Lắk. Đêm 18/1/1968, cơ sở nội tuyến Nguyễn Luyện dùng chất nổ đánh sập 12 kho trong tổng số 16 kho liên hoàn ở khu kho Mai Hắc Đế, phá hủy trên 3.000 tấn bom đạn của địch. Ngày 27/1/1958, cơ sở nội tuyến Nguyễn Sen đặt mìn trong phòng hành quân của Sư đoàn bộ 23 làm sập một tầng nhà, diệt 2 trung tá ngụy và một số lính chết và bị thương. Ở các huyện, ngày 22/1/1968, bộ đội tỉnh và huyện tấn công vào quận lỵ Lạc Thiện diệt một số địch; ở Buôn Hồ lực lượng ta đánh các ấp buôn Trinh, buôn A Nua, ấp Cuôr Đăng và phục kích đánh địch ở dốc Hà Lan trên đường 14. Rõ ràng, các hoạt động nghi binh của ta đã kéo sự chú ý đối phó của địch ra vùng ven, tạo điều kiện cho các lực lượng ta áp sát vào thị xã.
Khi cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột bắt đầu lúc 0 giờ 45 phút ngày 30/1/1968, đơn vị vũ trang thị xã đã ém sẵn, lập tức nổ súng đánh trụ sở ấp 3 và ấp 4. Có lực lượng quân sự hỗ trợ, quần chúng các nơi trong thị xã và vùng ven nổi dậy.
Ở cánh Nam, tiểu đoàn 301, bộ đội địa phương tỉnh tấn công vào Ty Ngân khố và phát triển đánh sang Tòa hành chính tỉnh, đánh chiếm và làm chủ hai mục tiêu trong 3 ngày Tết.
Ở cánh Tây Nam, Tiểu đoàn 39 tấn công dồn dập vào Đài phát thanh Buôn Ma Thuột, vào trường huấn luyện nghĩa quân, diệt một đại đội bảo an, bắt sống 3 tên Mỹ và làm chủ hai mục tiêu này.
Ở cánh Bắc, đêm 30 Tết, lực lượng ta đã tiến vào thị xã có cả lực lượng chính trị và cơ quan chỉ đạo có cơ yếu điện đài, được cơ sở quần chúng bên trong đón tiếp đưa về nơi trú quân.
Trong lúc cuộc tiến công diễn ra ở Buôn Ma Thuột thì ở các huyện cũng đồng loạt tấn công địch, điển hình như ở Buôn Hồ, Phước An, Tây Cheo Reo, Đức Lập, Quảng Đức…
Cùng với đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị cũng diễn ra quyết liệt, ở một số đường phố, quần chúng được cán bộ cơ sở chuẩn bị trước đã xuống đường chiếm trụ sở thôn ấp, xé cờ và khẩu hiệu của địch, treo cờ cách mạng, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, lùng bắt bọn ác ôn, kêu gọi binh lính đầu hàng… Ở nông thôn, quần chúng các huyện H4, H5, H9, H10 gồm trên 18.000 người, đội ngũ chỉnh tề, có băng cờ khẩu hiệu, dao rựa, gậy gộc với khí thế khởi nghĩa kéo về thị xã Buôn Ma Thuột. Cánh phía Đông, trên 9.000 người gồm đồng bào Kinh ở các khu dinh điền giải phóng và đồng bào các dân tộc ở H8, H9 (huyện Krông Bông ngày nay), kéo qua buôn làng, ra đường 21 tiến về thị xã.
Bộ đội truy kích địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu |
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Đắk Lắk diễn ra ác liệt suốt những ngày Tết Mậu Thân, với hai lực lượng cơ bản là quân sự và chính trị, theo phương thức kết hợp đấu tranh chính trị với tiến công quân sự, kết hợp phong trào nổi dậy của quần chúng với tiến công quân sự của các lực lượng vũ trang, kết hợp tiến công của lực lượng vũ trang với sự nổi dậy của quần chúng, vừa tiêu diệt địch vừa giành quyền làm chủ địa phương… Kết quả trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân dân Đắk Lắk đã tiêu diệt và làm tan rã 2.000 tên địch, bắt 85 tên (có 3 tên Mỹ), đánh quỵ 1 tiểu đoàn và 1 đại đội, bắn cháy 13 xe M113, phá hủy 19 máy bay, 150 xe quân sự, 4 khẩu pháo, 12 kho xăng dầu, bom đạn, thu nhiều vũ khí đạn dược, đánh chiếm và làm chủ một số vị trí quan trọng của địch trong thị xã từ 3 đến 5 ngày. Ở nông thôn đánh phá ấp chiến lược, phát động quần chúng nổi dậy giành làm chủ trên 5.000 dân.
Sau đợt Tổng tiến công và nổi dậy của ta trong dịp Tết Mậu Thân, địch tăng cường củng cố lực lượng và thế phòng thủ thị xã, đồng thời phản kích, tập trung khủng bố, vây lùng các cơ sở nội thị. Do đó, trong năm 1968, quân và dân Đắk Lắk còn tiến hành các đợt hoạt động tiến công và nổi dậy khác cùng với phong trào chung của Tây Nguyên và toàn miền Nam.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (đợt 1) đã góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Paris.
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc