Multimedia Đọc Báo in

Đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy ở thị xã Buôn Ma Thuột

07:56, 15/02/2025

Trong 5 mục tiêu đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột của ta tháng 3/1975 gồm: Tiểu khu Đắk Lắk, Sở chỉ huy Sư đoàn 23, sân bay thị xã, sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế thì mục tiêu đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy nằm ở trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, là cơ quan chỉ huy đầu não của địch ở tỉnh Đắk Lắk và cả Nam Tây Nguyên. Bao quanh căn cứ này có rất nhiều căn cứ quân sự: phía Bắc là căn cứ thiết giáp, pháo binh, hậu cứ Trung đoàn 44, sân bay trực thăng; phía Đông là Tiểu khu Đắk Lắk; phía Tây là khu kho Mai Hắc Đế, khu truyền tin, vận tải, quân y, Bộ Tham mưu. Tại đây, sau khi phán đoán ta có khả năng tấn công thị xã Buôn Ma Thuột, địch đã tăng cường phòng thủ, đào thêm nhiều hầm hào, rào thêm nhiều lớp rào kẽm gai, bố phòng thành nhiều tầng, nhiều lớp rất khó tấn công. Ở đây, ngoài lực lượng hiện có, từ ngày 1/3/1975 chúng còn tăng cường thêm Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 53 về đây bảo vệ.

Sau khi nghiên cứu căn cứ quân sự này của địch, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên quyết định cách đánh Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy như sau: sử dụng một lực lượng tinh nhuệ được trang bị xe tăng, xe bọc thép có nhiệm vụ đánh lướt qua các vị trí vòng ngoài của địch, sau đó đột phá thẳng vào trung tâm đầu não Sở chỉ huy Sư đoàn 23 theo chiến thuật “nở hoa" làm cho địch rối loạn chỉ huy. Cả 5 cánh quân đánh thị xã Buôn Ma Thuột đều lấy mục tiêu Sở chỉ huy Sư đoàn 23 là hợp điểm cuối cùng.

Xe tăng 980 húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 11/3/1975. Ảnh tư liệu

Ngày 10/3/1975, các mũi tấn công của ta đã chiếm được một loạt mục tiêu của địch như: Tiểu khu Đắk Lắk, sân bay thị xã, khu thiết giáp, khu pháo binh, khu gia binh, khu truyền tin, khu hậu cứ của Tiểu đoàn 1 - Trung đoàn 45, khu kho Mai Hắc Đế, Ngã Sáu, khu cư xá sĩ quan và một phần sân bay Hòa Bình. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy thì ta vẫn chưa chiếm được.

Ngay tối 10/3, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định cử Thượng tá Lê Minh, Tham mưu phó chiến dịch trực tiếp xuống mũi thọc sâu Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 nắm tình hình và chỉ đạo cho tất cả các đơn vị rút kinh nghiệm sau một ngày chiến đấu, củng cố lại lực lượng, công sự hầm hào, bổ sung thêm súng đạn để sáng 11/3 đồng loạt tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23.

Về phía địch, ngay chiều ngày 10/3, trong lúc ta đang tấn công Buôn Ma Thuột, địch đã điều Liên đoàn 21 biệt động quân đóng ở Đạt Lý - Buôn Hồ về hỗ trợ cho lực lượng đang chiến đấu ở Buôn Ma Thuột. Sư đoàn 6 không quân cũng được lệnh hỗ trợ tối đa cho lực lượng đang cố thủ tại Buôn Ma Thuột. Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn 2 địch phải tử thủ Buôn Ma Thuột bằng mọi giá.

6 giờ sáng ngày 11/3/1975, hai trung đoàn pháo binh 40 và 675 của ta đã cấp tập nã đạn pháo vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Sau gần một giờ bắn phá, hầu hết các công sự hầm hào của địch ở đây đã bị phá hủy, nhiều binh lính địch đã bị tiêu diệt. Sau đó, từ các hướng các mũi tấn công của ta đã được lệnh nổ súng tấn công tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23.

Ở hướng Tây Nam, mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 từ chiều 10/3 đã áp sát Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Lúc 6 giờ 30 phút sáng 11/3 thì tập trung toàn bộ xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh tổng tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Địch từ các lô cốt, ụ súng, giao thông hào chống trả rất quyết liệt, trên trời không quân địch liên tục ném bom xuống chặn đường. Bộ binh và xe tăng của Tiểu đoàn 4 vẫn dũng mãnh tấn công. Tầm 10 giờ, Tiểu đoàn 4 đã tiêu diệt và đánh tan lực lượng địch chốt chặn trên đường 429, chiếm được khu quân y, khu Liên đoàn 350 và khu Bộ Tham mưu, sau đó đột phá thẳng vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23. Xe tăng 980 do Đại đội trưởng Đại đội 9 Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy cùng các xe tăng 978, 815, 703 tiêu diệt hỏa lực của địch ở lô cốt bên phải cổng rồi cùng bộ binh Tiểu đoàn 4 đánh thẳng vào khu trung tâm. Trước sức mạnh tấn công của ta, toàn bộ quân địch còn lại ở Sở chỉ huy Sư đoàn 23 đã nhanh chóng bị tiêu diệt và bắt sống. 10 giờ 40 phút ngày 11/3, Tiểu đoàn 4 đã làm chủ hoàn toàn Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Đại tá Vũ Thế Quang, Sư phó Sư đoàn 23 ngụy, Chỉ huy trưởng Mặt trận Buôn Ma Thuột cùng tên Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk hoảng sợ bỏ chạy nhưng Nguyễn Trọng Luật đã bị các chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 24) bắt sống. Tên Vũ Thế Quang lẩn trốn cũng bị các chiến sĩ Trung đoàn 174 tóm được.

Lúc 6 giờ 30 phút sáng, Trung đoàn 95B bắt đầu tổ chức đánh phát triển sang dinh Tỉnh trưởng. Trận chiến tại dinh Tỉnh trưởng diễn ra rất quyết liệt. Đến 10 giờ, Trung đoàn 95B tổ chức lại lực lượng và chia thành hai mũi tiến công. Mũi thứ nhất của Tiểu đoàn bộ binh 4 cùng xe tăng 988 và hai xe thiết giáp tiến đánh về hướng Nam phía Trường Tiểu học Nguyễn Du, sau đó tiến về Sở chỉ huy Sư 23. Mũi này cũng bị địch chống trả quyết liệt, xe 988 bị địch bắn cháy, đội hình không phát triển lên được. Mũi thứ hai chỉ có xe số 985 do Trung đội trưởng Nguyễn Hải Phòng chỉ huy cùng bộ binh đánh phát triển theo đại lộ Thống Nhất để tiến về Sở chỉ huy Sư đoàn 23 cũng bị địch chặn đánh quyết liệt. Bất chấp bom đạn địch, xe 985 vẫn dũng mãnh tấn công. Đến 11 giờ 30 phút ngày 11/3, sau khi tiêu diệt xong bọn địch chặn đường, xe 985 tấn công tiến sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và gặp Tiểu đoàn 4 - Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23.

Trung đoàn 174 cũng tổ chức thành ba mũi tấn công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23 vào lúc 11 giờ 30 phút.

Từ hướng Nam, Trung đoàn 149 cũng tổ chức cho bộ đội tấn công vào các vị trí chung quanh Sở chỉ huy Sư đoàn 23, sau đó đánh vào khu Bộ Tham mưu. Lúc 11 giờ, sau khi tiêu diệt xong địch ở khu Tham mưu, Trung đoàn 149 tổ chức đánh sang Sở chỉ huy Sư đoàn 23 và gặp cánh quân của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 tại đây.

Trung đoàn 148 sau khi được lệnh tấn công đánh phát triển từ Ngã Sáu sang. Dù bị bộ binh và không quân địch ngăn chặn nhưng ta vẫn dũng mãnh tấn công. Đến 11 giờ 30 phút, mũi tấn công của Trung đoàn 148 cũng có mặt tại Sở chỉ huy Sư đoàn 23.

Thế là sau hơn một ngày chiến đấu, quân ta đã làm chủ được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy; tiêu diệt và bắt gần 1.000 tên địch, thu rất nhiều vũ khí, súng đạn.

Với việc chiếm được Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn toàn được giải phóng. Có thể nói đây là một trận đánh ta đã dùng mưu và kế rất hay để thắng địch. Với chiến thắng Buôn Ma Thuột, ta đã giáng một đòn chí mạng vào quân địch ở Tây Nguyên, đẩy địch vào thế bị động, phải vội vã rút chạy khỏi Tây Nguyên, tạo ra thời cơ chiến lược mới để quân và dân ta mở ra các chiến dịch tiếp theo giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguyễn Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nô nức lên đường theo tiếng gọi non sông
Sáng 13/2, hơn 3.000 thanh niên ưu tú của 15 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh Đắk Lắk lên đường nhập ngũ. Trong không khí nô nức, phấn khởi, tất cả các tân binh đều tỏ rõ quyết tâm rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ.