Người Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và hành trình trở về ký ức
Giữa dòng người nô nức dự Lễ tổng duyệt diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Huy Nghệ lại nhớ về một thời đã qua.
Nửa thế kỷ trước, trong chiến trường lửa đạn, người lính đặc công ấy đã cùng đồng đội tiến thẳng vào dinh Độc Lập, góp phần viết nên khúc tráng ca toàn thắng của dân tộc.
Năm 1970, khi mới 16 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, từ quê hương Thái Bình chàng thanh niên trẻ Phạm Huy Nghệ xung phong lên đường nhập ngũ, gia nhập Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 305, Bộ Tư lệnh Đặc công.
Sau khóa huấn luyện ở Suối Hai (Ba Vì), ông cùng đồng đội băng rừng, vượt núi, hành quân qua Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Tại chiến địa ác liệt Bình Phước, ông được biên chế vào Đoàn 27 – đơn vị đảm nhận các mục tiêu chiến lược như tổng kho Long Bình, sân bay Biên Hòa, Trường sĩ quan Long Thành, các khu căn cứ quân sự ở Bình Dương, Lai Khê, Phước Vĩnh…
Là lính đặc công, nhiệm vụ của ông Nghệ là mũi nhọn mở đường, đối mặt với hiểm nguy cận kề. Mỗi trận đánh là một lần đối diện với sống chết. Ở những trận đánh ấy, máu và nước mắt hòa vào đất, đồng đội ngã xuống ngay bên cạnh, có khi chỉ cách nhau một tầm tay…
![]() |
Ông Phạm Huy Nghệ (bìa trái) chụp cùng các chiến sĩ Tổ đặc công C1-D19.E116.F305 đánh vào Dinh Độc Lập 30/4/1975. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là ông vinh dự được kết nạp Đảng ngay trước giờ nổ súng 30 phút trận đánh cầu Tân Cảng trên xa lộ Thủ Đức ngày 10/4/1975. Trận ấy, ông cùng đồng đội tiêu diệt hoàn toàn hai trung đội địch bảo vệ cầu, chiếm lô cốt đầu cầu và tiếp tục cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử.
Sau ngày giải phóng, ông Nghệ tham gia quân quản ở cư xá Kiến Thiết - Thủ Đức, sau đó được Nhà nước cử sang Bungari học lái máy gặt đập liên hợp, nhưng vì sốt rét tái phát nặng nên ông xin về nước. Năm 1977, ông vào Đắk Lắk làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Lắk.
Năm 1978, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau đó, ông xin tái ngũ, làm Chính trị viên Đại đội Quân báo - Trinh sát 32, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình; rồi làm Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 329, Quân khu 3.
Năm 1987, ông lại chuyển gia đình vào Đắk Lắk, công tác tại các Ban Chỉ huy Quân sự huyện Lắk, huyện Krông Ana. Năm 1993, ông nghỉ hưu với hàm Thiếu tá, đảm nhận vị trí Phó Chỉ huy - Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana…
![]() |
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Huy Nghệ (thứ hai bên trái) cùng đồng đội gặp mặt tại Dinh Độc Lập trong ngày tập luyện chuẩn bị cho Lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Sau những năm tháng chiến đấu, ông Phạm Huy Nghệ trở về sống cuộc đời thanh bạch, giản dị, dù mang trong mình di chứng chất độc hóa học: 5 người con của ông lần lượt ra đi khi tuổi đời còn quá ngắn ngủi; bản thân ông mỗi khi trái gió trở trời cơ thể lại thường xuyên đau nhức… Nỗi đau khôn nguôi ấy, ông âm thầm chịu đựng, không một lời than vãn. Bởi với ông, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc đời cho Tổ quốc là một điều thiêng liêng, một lời thề không bao giờ đổi thay.
Đôi chân đã từng băng rừng vượt suối năm xưa, sau ngày hòa bình lập lại vẫn rong ruổi, lặng lẽ tìm kiếm hài cốt đồng đội. 11 đồng chí, đồng đội do chính tay ông chôn cất nơi chiến trường năm xưa đã được quy tập, nhưng hài cốt người anh trai hi sinh ở Đồng Nai đến nay chưa tìm thấy được luôn là nỗi day dứt…
Tham gia diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP. Hồ Chí Minh, Anh hùng Phạm Huy Nghệ nghẹn ngào khi được gặp lại đồng đội cũ, cùng nhau về thăm Dinh Độc Lập – nơi cách đây 50 năm trước, ông đã trực tiếp cùng đồng đội tiến vào, trong những giờ phút cuối cùng để mở ra trang mới của lịch sử: non sông thu về một mối, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
“Đi giữa vòng tay nhân dân”, giữa rừng cờ hoa đỏ thắm, giữa âm vang của những bài ca hào hùng, giữa không khí trang trọng, tự hào, những giọt nước mắt xúc động của ông Nghệ và của bao người con đất Việt với tinh thần yêu nước nồng nàn lặng lẽ rơi xuống, thấm vào lòng đất Mẹ thiêng liêng – nơi đã nhuộm máu, mồ hôi và cả tuổi xuân của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống để bảo vệ, dựng xây…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc