Multimedia Đọc Báo in

Khai mạc Triển lãm quốc gia về Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam lần thứ XXIV - năm 2023

15:20, 22/09/2023

Trong khuôn khổ Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ XXIV - năm 2023, chiều 21/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh (TP. Quy Nhơn), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam đã khai mạc Triển lãm quốc gia về CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXIV.

Dự khai mạc có các ông: Phạm Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TTTT); cùng lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp (DN), đơn vị công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông trong cả nước…

Quang cảnh khai mạc Triển lãm.
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc triển lãm.

Triển lãm trưng bày nhiều gian hàng sản phẩm, thiết bị công nghệ, giải pháp mới đến từ các DN cung cấp phần cứng, phần mềm, hạ tầng mạng CNTT, viễn thông, giải pháp chuyển đổi số… trong cả nước. Đây là thành tựu phát triển của nhiều DN theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Các giải pháp này phù hợp với chủ đề của Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXIV - năm 2023 là: “Dữ liệu số và các nền tảng hỗ trợ ra quyết định”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu khai mạc Triển lãm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu khai mạc triển lãm.

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang (Trưởng ban Ban tổ chức Hội thảo) cho biết: Ngành CNTT-TT được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, bởi làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ với tốc độ rất nhanh.

Nhiều năm qua, công nghiệp CNTT-TT có bước phát triển nhảy vọt, với nhiều đột phá và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao. Năm 2022, doanh thu của ngành CNTT tăng khoảng 400 lần so với năm 2000, ước lượng mức tăng bình quân đạt 38%/năm trong suốt 20 năm. Doanh thu năm 2022 ước khoảng 148 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Hiện nay, ngành CNTT ở Việt Nam đã đóng góp vào GDP cả nước là 14,4%. Nhờ bước tiến này, ngành CNTT Việt Nam đã có vị trí nhất định trên thế giới. Trong đó, với dịch vụ phần mềm, Việt Nam hiện đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (thứ ba bên phải), cùng lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam, Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT) ấn nút khai mạc Triển lãm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (thứ ba bên phải) cùng lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam, Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TTTT) ấn nút khai mạc triển lãm.

“Tại Triển lãm, công chúng thấy được bức tranh đa màu sắc của công nghệ, đó là tâm huyết, là trí tuệ của những nhà lãnh đạo quản lý, những chuyên gia về CNTT-TT của các DN ICT trong cả nước. Triển lãm là cầu nối để các DN tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường, học hỏi và giới thiệu về những thành tựu, sản phẩm công nghệ mới của mình, góp phần phát triển đơn vị nói riêng và đưa ngành CNTT-TT Việt Nam nói chung lên tầm cao mới”, ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.

Theo Báo Bình Định


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.