Multimedia Đọc Báo in

Mắm sò Lăng Cô

08:40, 28/08/2021

Thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có bãi biển cùng tên nổi tiếng với nhiều loại hải sản tươi sống như: cua, ghẹ, mực, tôm, vẹm, hàu... Trong đó, con sò (người dân địa phương gọi là “sặc”), một loại đặc sản ở đầm Lăng Cô, đã được người dân nơi đây chế biến thành món mắm sò trứ danh.

Làm mắm sò hết sức kỳ công. Các mệ (mẹ) mua sò tươi về (có thể là sò huyết hoặc sò lông) lấy mũi dao nhọn cạy vỏ lấy sò, rửa thật sạch cát và các tạp chất. Sau đó vớt ra rá (rổ), để ráo nước chừng 50 phút, đổ sò vào thau sạch, bỏ muối hột (hay còn gọi là muối sống) được giã mịn với tỷ lệ 10 chén sò - 2 chén muối. Tuyệt đối không được bỏ muối bột (hay muối chín) vì muối bột có độ mặn thấp dễ hư mắm, nhưng nếu bỏ nhiều muối quá mặn cũng không thể ăn; ớt bột và riềng xắt nhỏ bỏ vào, tỷ lệ tùy thuộc nhu cầu người ăn cay nhiều hay ít. Trộn thật đều sò, muối, ớt, riềng rồi bỏ liền vào chai hoặc thẩu nhựa đậy thật kín, trong vòng 8 - 10 ngày mắm sẽ chín, có thể ăn được.

Mắm sò.

Biểu hiện mắm chín rõ nhất là phần xác sò sẽ nổi lên trên, phần nước bên dưới có màu đục như màu nước mắm. Sò càng lên cao, nước mắm bên dưới thẩu càng nhiều chứng tỏ mắm ấy để đã lâu. Loại mắm này cần ăn ngay, không nên để lâu thêm mắm sẽ nhanh hỏng.

Mắm sò rất thơm ngon khi ăn với cơm nóng hoặc có thể trở thành món nước chấm khi sử dụng thêm rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ. Khi ăn sẽ có vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo ngọt của thịt. Tất cả những tinh túy ấy làm nên món mắm sò ngon nức tiếng khiến ăn một lần không thể quên.

Trần Thái Học


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.