Multimedia Đọc Báo in

Ngọt ngon bánh tráng nhúng đường

06:26, 03/04/2022

Giòn, ngọt, thơm chính là những vị ngon riêng của bánh tráng nhúng đường, món ăn dân dã gắn với ký ức tuổi thơ của bao người dân xứ Quảng.

Quảng Ngãi trước đây từng là một trong những vựa mía lớn của cả nước. Cây mía trở nên thân thuộc trong đời sống của người dân nơi đây. Mía đi vào ca dao tục ngữ. Mía hóa thân thành những món ăn ngon. Mạch nha, đường phổi, kẹo gương, bánh tráng nhúng đường… là đặc sản gắn với cây mía mà người Quảng Ngãi yêu quý.

Bánh tráng nhúng đường còn được gọi là bánh tráng ngào. Món bánh này nhìn có vẻ đơn giản nhưng chế biến cũng khá kỳ công. Bánh tráng phải được nướng trên than hồng ngay trước khi nhúng nước đường. Bánh nướng để lâu sẽ không giòn và thơm. Đường để nhúng bánh được nấu từ mật mía. Khi chảo nước mía vừa tới đường non thì cho bánh vào nhúng khoảng vài giây là được. Vì đường non đang sôi nên người nhúng thường xâu bánh tráng thành chùm, tay cầm sợi dây cho bánh vào chảo để tránh bị bỏng.

Bánh tráng nhúng đường dân dã mà thơm ngon

Bánh tráng nhúng đường khi vớt ra có màu vàng nâu óng ánh và dậy mùi thơm dịu nhẹ của mật mía. Đợi bánh nguội là có thể thưởng thức ngay. Ăn bánh tráng nhúng đường, người lớn thường dùng đũa. Còn trẻ con thì cứ dùng tay. Bẻ miếng bánh cho vào miệng, vừa nhâm nhi vị dẻo ngọt giòn thơm, vừa “tranh thủ” luôn những sợi đường còn sót lại trên ngón tay, niềm hạnh phúc đơn sơ của tuổi thơ ấy hẳn nhiều người xứ Quảng vẫn còn lưu giữ trong lòng.

Bánh tráng nhúng đường là món ăn chơi được người Quảng rất chuộng. Những lúc nông nhàn, những buổi xế chiều, ăn bánh tráng ngào, uống nước chè xanh, nói chuyện xóm làng, đồng áng là một nét văn hóa ẩm thực quen thuộc ở Quảng Ngãi một thời.

Ngày nay, mía không còn là cây trồng chủ đạo ở Quảng Ngãi. Các lò nấu đường cũng không còn nhộn nhịp như xưa. Dẫu vậy, món bánh tráng nhúng đường vẫn được làm ra, bày bán. Bởi đó là món ngon tuổi thơ, đặc sản của một thời mía đường phát triển mà người xứ Quảng luôn trân trọng, giữ gìn.

Phạm Tuấn Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.