Bình yên giữa miền sông nước
Mỗi lần về miền Tây Nam Bộ, mảnh đất, con người nơi đây luôn tạo cho tôi một cảm giác bình yên đến lạ.
Như níu kéo gọi mời, những vườn cây trái sum suê, những hàng dừa rủ bóng, tiếng nhạc đờn ca tài tử, hay đơn giản chỉ là hình ảnh người mẹ, người chị trong chiếc áo bà ba cũng đủ thổn thức lòng người về một vùng trời thương mến.
Có lẽ là yêu ngay trong tâm thức, nên khi được một hướng dẫn viên chào đón với nụ cười tươi trẻ, hiền hòa của người Bến Tre, tôi càng háo hức được trải nghiệm đi thuyền trên sông Tiền để ngắm cảnh bốn cù lao nổi tiếng Long – Lân – Quy – Phụng.
Ngồi xuồng ba lá ngắm cảnh sông nước hữu tình ở cù lao Thới Sơn. |
Cù lao hay cồn là cách mà người dân dùng để gọi tên những vùng đất hình thành nhờ quá trình bồi tụ của phù sa trong một thời gian dài. Long – Lân – Quy – Phụng là những cù lao từ rất lâu đã trở thành điểm nhấn du lịch quan trọng của hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
Bốn cù lao được xem là bộ tứ linh với ý nghĩa rằng miền đất linh thiêng luôn mang lại hạnh phúc, may mắn cho người dân. Quây quần xung quanh sông Tiền, các cù lao được con nước ôm ấp, phả hơi thở thanh mát, ngọt ngào cho dải đất này luôn tươi xanh, trĩu quả ngọt.
Xuôi theo con nước nặng phù sa, cồn Lân (còn gọi là cồn Thới Sơn) dần hiện ra với khung cảnh đa màu sắc. Hiện ra trước mắt du khách là hình ảnh những chùm nhãn lồng lủng lẳng trái, những loài hoa rực rỡ sắc màu dẫn lối trên con đường nhỏ.
Cồn Lân thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), không chỉ có diện tích lớn, lâu đời nhất trong bốn cù lao tứ linh, mà còn hấp dẫn bởi nhịp sống chan hòa, êm ả.
Ở cồn Thới Sơn, người dân chủ yếu phát triển kinh tế bằng trồng cây ăn trái, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, nuôi ong lấy mật, xây dựng các làng nghề và làm du lịch. Tổng hợp các thế mạnh đã tạo nên nét đẹp riêng cho du lịch nơi này, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Về cồn Lân, mọi ưu phiền trôi theo con nước để tâm hồn thư thái đắm chìm trong bầu không khí thoảng hương phù sa. Vô số những trải nghiệm xưa cũ, hay mới lạ cứ dồn dập theo hành trình khám phá.
Đó là men theo những lối nhỏ rợp bóng dừa xanh hay cây trái trĩu cành; dạo chơi dọc đường làng cùng chiếc xe ngựa lộc cộc; vừa ăn trái cây vừa thưởng thức đờn ca tài tử; đến thăm các làng nghề truyền thống nuôi ong mật, hay chứng kiến quy trình và thưởng thức những viên kẹo dừa ngọt thơm.
Và thú vị hơn cả, có lẽ là được ngồi trên chiếc xuồng ba lá, được chứng kiến các mẹ, các chị khua mái chèo điệu nghệ đẩy xuồng qua những con lách ngoằn ngoèo; được thỏa thích chụp ảnh, ngắm nhìn những rặng dừa nước vươn xanh, kéo dài mênh mông sông nước…
Trò chơi cho cá bú bình ở cồn Phụng. |
Trong bộ tứ linh, cồn Phụng, còn gọi là cù lao Tân Vinh nằm ở huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre). Bà con kể lại rằng, cái tên cồn Phụng ra đời vào hồi đầu thế kỷ 20, khi ông Nguyễn Thành Nam đến nơi này xây dựng chùa Nam Quốc Phật, tạo giáo phái Đạo Dừa. Mang đầy đủ đặc sản của miệt vườn sông nước, cồn Phụng còn nổi tiếng là vùng đất mang giá trị cây dừa vươn xa với những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp mắt.
Cùng với dáng dấp của nét văn hóa truyền thống, cồn Phụng được giới trẻ yêu mến bởi nơi đây có nhiều trò chơi độc lạ, trẻ trung như câu cá sấu, cho cá bú bình. Được tập phản xạ có điều kiện từ nhỏ, đàn cá chép nơi đây sẽ ngoi lên mặt nước, khuấy động một góc hồ khi được khách cho… bú bình sữa như trẻ em. Thú vị không kém là hòa mình vào các trò chơi tập thể, tất cả cùng xắn quần lội mương bắt cá hay lăn bóng nước khổng lồ…
Khép lại hành trình bình yên giữa miền sông nước là một chầu nước dừa mát rượi mà người bạn Bến Tre vừa hái từ vườn. Đôi tay nhỏ nhắn thoăn thoắt chặt trái này đến trái khác, miệng vui vẻ chân tình: “Về xứ dừa phải uống thật nhiều dừa nghen!”.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc