Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng Senmonorom

06:29, 11/12/2022

Sau khi hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Bu Prăng (tỉnh Đắk Nông), chúng tôi đi về hướng tây nơi thành phố Senmonorom - thủ phủ của tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia) tọa lạc.

Thành phố Senmonorom có diện tích 14.228 km2, dân số khoảng 100.000 người. Những năm gần đây, tốc độ phát triển của thành phố ngày càng nhanh, các tòa nhà cao tầng dần thay thế các ngôi nhà bằng gỗ truyền thống. Đây cũng một trong những địa phương được Chính phủ Campuchia xác định là trung tâm du lịch của đất nước trong giai đoạn 2022 – 2032.

Cảm nhận đầu tiên khi sang nước bạn chính là hệ thống giao thông và kết cấu đường nhựa khác biệt. Bề mặt đường nhựa nơi đây được ví như những tấm giấy nhám khổng lồ, độ nhám tạo ra từ những lớp đá nhỏ quyện chặt với nhựa nóng tạo ra bề mặt sần sùi, trơ lên mặt đá lởm chởm. Người ngồi trên xe cũng cảm nhận được cái thô ráp của nó qua tiếng ồn ma sát giữa lốp xe và mặt đường. Bề mặt đường rất chắc chắn và bền bỉ, hiếm khi có ổ gà.

Xe túk túk là phương tiện giao thông chủ yếu ở Senmonorum.

Một điều hết sức tinh tế là người tham gia giao thông ở đây hầu như rất hiếm khi sử dụng còi xe, và phương tiện giao thông công cộng chủ yếu là những chiếc xe túk túk. Đây là những chiếc xe ba bánh có gắn cabin để chở người hay hàng hóa, tốc độ chỉ khoảng 50 km/h nên khá an toàn. Càng đi gần về thành phố, lưu lượng những chiếc xe ba bánh này xuất hiện nhiều hơn, tạo nên một nét độc đáo của xứ sở chùa Tháp.

Phía tây thành phố chính là chợ trung tâm, nhộn nhịp buôn bán. Đi về phía nam của thành phố sẽ bắt gặp những hồ nước tự nhiên tuyệt đẹp. Thời gian này, chính quyền thành phố đang cải tạo những hồ nước này thành điểm nhấn của địa phương. Đặt giữa vòng xoay trung tâm là biểu tượng hai con bò rừng, đó cũng là biểu tượng của tỉnh Mondulkiri.

Điều khá thú vị là ở Senmonorum cũng có mạng điện thoại của Viettel với tên gọi ở nước bạn là Metfone. Bởi thế khi sang đây người Việt không cần thay sim vẫn sử dụng điện thoại bình thường.

Đặc biệt, ở thành phố Senmonorom có rất nhiều công trình hữu nghị Việt Nam – Campuchia được xây dựng, một trong số đó là Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia. Nằm trên ngọn đồi cao, Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 3.500 m2, cao 16 m gồm hình tượng người chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và chiến sĩ quân giải phóng Campuchia cùng chắc tay súng bảo vệ người mẹ Campuchia bồng con. Đây vừa là địa điểm tham quan, vừa là địa điểm tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, giáo dục lịch sử cho thế hệ người dân Campuchia về sự hỗ trợ, giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, mang lại sự hồi sinh và phát triển cho đất nước và dân tộc Campuchia.

Với đặc thù là tỉnh có biên giới giáp với các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước của Việt Nam, nên tại Senmonorum (tỉnh Mondulkiri) có rất đông người Việt sang định cư sinh sống, làm ăn.

Đài Hữu nghị Việt Nam – Campuchia tại thành phố Senmonorom được xây dựng năm 2019.

Gia đình chị Thu Hằng là một hộ người Việt sinh sống và buôn bán tại chợ trung tâm Semonorum. Chị cho hay, ở đây có gần 100 hộ người Việt Nam, chủ yếu sống bằng nghề buôn bán, dịch vụ. Cộng đồng người Việt nơi đây rất đoàn kết, khi có công việc gì, hay cần sự giúp đỡ, mọi người đều tập trung đến hỗ trợ. Đối với những người Việt mới sang làm ăn, mọi người đều tận tình giúp đỡ, hướng dẫn, có những người còn hỗ trợ chỗ ở, việc làm ban đầu.

Có nhiều gia đình buôn bán thành công, làm ăn phát đạt như gia đình ông Long đã sinh sống hơn 30 năm với ba thế hệ ở Senmonorum, cơ ngơi cửa hàng buôn bán thuộc hàng lớn nhất nhì thành phố. Sở hữu cửa hàng buôn bán lớn, các mặt hàng ở đây rất phong phú với nhiều xuất xứ khác nhau, từ Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc… thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều khách hàng tại nhiều quốc gia nên gia đình ông Long không những rành tiếng Campuchia mà còn biết rất nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, tiếng Hoa...

Ông Long tâm sự: Những năm trước dịch COVID-19, ông thường xuyên về Việt Nam để nhập hàng, đa phần hàng hóa nhu yếu phẩm như nước mắm, muối, gạo… cho đến quần áo đều nhập từ Việt Nam, gia đình buôn bán rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, kinh doanh gia đình cũng có thời điểm gặp khó, gần đây mới được phục hồi. Năm nay, gia đình ông Long đón Tết tại nước bạn. Ông cho biết, ở xa quê nhưng Tết đến nơi đây vẫn đầy đủ các bánh chưng, bánh tét, mứt, kiệu... như quê nhà.

Chị Thu Hằng thì không giấu được niềm vui vì dự kiến năm nay, chị sẽ cùng gia đình về ăn Tết tại Việt Nam sau hơn 2 năm không về do dịch bệnh COVID-19...

Nguyễn Ngọc Lân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.