Multimedia Đọc Báo in

Những khoảnh khắc đẹp của Lễ hội Cà phê qua các bức ảnh

08:11, 09/04/2023

Những bức ảnh tại Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023” nói riêng và những bức ảnh về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 (gọi tắt là Lễ hội) nói chung đã giới thiệu, lan tỏa một mùa lễ hội đầy màu sắc.

Đa dạng góc nhìn về Lễ hội

Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023” (cuộc thi) dành cho các tác giả chuyên, không chuyên, các du khách và người dân tham gia Lễ hội do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk và Công ty TNHH Truyền thông - Sự kiện Pro tổ chức; với mục đích ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhằm quảng bá và lan tỏa tinh thần của Lễ hội.

Chỉ sau khoảng một tuần lễ phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 600 ảnh của 65 tác giả thuộc 5 tỉnh thành: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng gửi về dự thi. Ngoài những tác phẩm được chụp bằng máy ảnh chuyên nghiệp thì còn có những tác phẩm chụp bằng điện thoại thông minh, mỗi người một góc máy khác nhau đã phản ánh khá toàn diện về Lễ hội

Người dân tham quan các tác phẩm của cuộc thi được trưng bày tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bảo Hưng, đại diện Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá, các tác phẩm đã phản ánh sinh động hầu hết các chương trình hoạt động và tinh thần của Lễ hội; đặc biệt có nhiều tác phẩm mang đậm tính nhân văn, tạo được sự đồng cảm và đánh giá cao của người xem. Tác phẩm ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có nhỉnh hơn về kỹ thuật nhưng ảnh của các tác giả không chuyên vẫn đáp ứng tốt tinh thần và thể lệ cuộc thi, từ đó góp phần cho ảnh dự giải thêm phong phú, nhiều màu sắc. Điều đó cho thấy rằng, cuộc thi và Lễ hội nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của rất nhiều người.

Lan tỏa những giá trị cao đẹp

 

Ban tổ chức đã trao 20 giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất cuộc thi, gồm 1 giải A, 1 giải B, 2 giải C, 16 giải Khuyến khích. 47 tác phẩm vào vòng triển lãm của cuộc thi được trưng bày tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột đến ngày 22/4.

Không chỉ dừng lại ở việc ghi lại những khoảnh khắc của Lễ hội bằng một bức ảnh đẹp, mà thông qua đó các tác giả đã lan tỏa đến công chúng những giá trị cao đẹp.

Trong thời đại số, thông qua các bức ảnh nhiều người đã biết đến Lễ hội. Bức ảnh ấy có thể là của nhiếp ảnh gia, nhà báo, thợ chụp ảnh hay của những người khách du lịch, người dân chụp bằng điện thoại ghi lại những hình ảnh đầy màu sắc, nhiều góc độ của Lễ hội. Nhờ đó, giúp người dân và du khách trên khắp mọi miền đất nước có thể hiểu và biết đến một Lễ hội Cà phê hấp dẫn của Đắk Lắk.

Tác phẩm “Lễ hội đường phố 4” của tác giả Trần Thị Mùi đã xuất sắc giành giải A của cuộc thi. Chia sẻ về quá trình sáng tác tác phẩm đoạt giải nói riêng, các tác phẩm tại Lễ hội nói chung, nữ tác giả tâm sự: "Với mong muốn ghi lại nhiều khoảnh khắc tại Lễ hội, chúng tôi (tác giả và các nghệ sĩ nhiếp ảnh khác – PV) nắm bắt, theo sát các chương trình trong Lễ hội; lăn xả sáng tác với niềm đam mê… để có được những bức ảnh đẹp, ý nghĩa, phục vụ công tác truyền thông, lan tỏa những hình ảnh đẹp nhất về Lễ hội đến với anh em bè bạn trong nước và quốc tế".

“Lễ hội đường phố 4”. Ảnh: Trần Thị Mùi ( đoạt giải A của cuộc thi)

Hay câu chuyện đằng sau mỗi bức ảnh, từ nhân vật, hoàn cảnh cũng đã truyền tải những giá trị cao đẹp đến công chúng như tác phẩm “Cảnh sát cơ động giúp đỡ người khuyết tật khi tham gia Lễ hội” của tác giả Mai Thị Thanh Thủy. Dù bức ảnh chỉ được ghi lại bằng điện thoại, có thể chất lượng chưa thật xuất sắc, song khoảnh khắc và ý nghĩa của tác phẩm đã khiến nhiều người xem xúc động. Đây là tác phẩm đoạt giải Khuyến khích, đồng thời cũng là tác phẩm được yêu thích nhất tại cuộc thi.

Tác giả Thanh Thủy bồi hồi chia sẻ: “Khi thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại buổi Khai mạc Lễ hội ở Quảng trường 10-3, trong lúc thấy một người khuyết tật di chuyển khó khăn, các đồng đội của tôi đã vào giúp đỡ chú ấy. Tôi thấy khoảnh khắc này rất hay nên đưa điện thoại lên chụp ngay. Đó không chỉ là một hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an nhân dân, mà còn gửi đi thông điệp cùng sẻ chia, tương trợ lẫn nhau”.

Cuộc thi đã khép lại, bên cạnh việc thu nhận được nhiều hình ảnh đẹp làm nguồn tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền cho Lễ hội, thì đây cũng là một sân chơi thực sự bổ ích và ý nghĩa đối với các nhiếp ảnh gia và đông đảo người dân tham gia Lễ hội.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.