"Đòn bẩy" để phát triển
Ngoài việc dựa vào tiềm năng vốn có về thiên nhiên, văn hóa…, để phát triển, ngành du lịch Đắk Lắk còn xây dựng những “đòn bẩy” vững chắc để nâng tầm du lịch tỉnh nhà.
Bứt phá với du lịch thông minh
Trong năm 2023, “Du lịch Buôn Ma Thuột” là cái tên nằm trong top 10 địa điểm du lịch nổi bật được du khách trong và ngoài nước tìm kiếm nhiều nhất tại Google Year In Search 2023 (Một năm tìm kiếm) do Google công bố. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành du lịch của Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắk Lắk nói chung.
Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), đó là một trong những kết quả nổi bật của việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. Cụ thể, trong năm 2023, ngành du lịch của tỉnh đã thêm từ khóa “Du lịch Buôn Ma Thuột” trên Google thay vì chỉ dùng từ khóa “Du lịch Đắk Lắk” như trước đây và đã được du khách đón nhận tích cực.
Buôn du lịch cộng đồng Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trước đó, từ năm 2021, Đắk Lắk đã triển khai có hiệu quả Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Hệ thống) gồm: Cổng thông tin du lịch: https://mydaklak.vn; Ứng dụng du lịch thông minh trên di động; Hệ thống quản lý lưu trú, đăng ký tạm trú/tạm vắng liên thông: https://luutru.vnpt.vn.
Đến nay, Hệ thống luôn hoạt động tích cực, góp phần xây dựng ngành du lịch chất lượng cao phục vụ du khách. Trong đó có thể kể đến Cổng thông tin du lịch, đã cập nhật 80 điểm tham quan, 256 cơ sở lưu trú, 116 cơ sở ẩm thực, 21 điểm mua sắm, 30 đơn vị lữ hành, 171 thông tin tiện ích...; thường xuyên cập nhật thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, các chương trình hoạt động, sự kiện văn hóa thể thao, du lịch, kinh tế, xã hội của tỉnh đến với đông đảo người dân, du khách. Hay Ứng dụng du lịch thông minh trên di động cũng đã có gần 3 triệu lượt truy cập; gần 1.500 lượt tải ứng dụng di động trên hai nền tảng Android và IOS.
Anh Nguyễn Thành Khương (du khách đến từ Tây Ninh) cho hay: “Hệ thống này gần như cung cấp đầy đủ, chính thống các thông tin liên quan về du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk như địa điểm lưu trú hay dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, mua sắm, sự kiện, tin tức và các tiện ích khác như: y tế, vị trí cây xăng, bản đồ, ATM...”.
Chị Trịnh Minh Thúy (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) thì lại khá ấn tượng với hình ảnh 360 độ về một số điểm đến của Đắk Lắk như buôn Akô Dhông, hồ Lắk, trung tâm du lịch Buôn Đôn… được thể hiện trên Cổng thông tin du lịch.
Không chỉ mang đến trải nghiệm cho du khách, Hệ thống quản lý lưu trú, đăng ký tạm trú/tạm vắng liên thông thuộc Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Đắk Lắk còn giúp các cơ quan nhà nước có thể thực hiện các nghiệp vụ quản lý, thống kê, tổng hợp, lập báo cáo về khách du lịch một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Bên cạnh đó, việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho nguồn nhân lực ngành du lịch cũng được Sở VHTT&DL quan tâm. Trong năm 2023, Sở VHTT&DL đã tổ chức 13 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cho nhân viên, hướng dẫn viên các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, một số chương trình tập huấn còn thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm du lịch, nhất là đối với du lịch cộng đồng. Đơn cử như chương trình Đào tạo hướng dẫn về kỹ năng nghề, kỹ năng mềm phục vụ khách du lịch tại các điểm đến và tổ chức học hỏi kinh nghiệm mô hình du lịch nông thôn tại các tỉnh phía Bắc (Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình) do Sở VHTT&DL tổ chức vào cuối năm 2023. Chuyến đi đã giúp các thành viên học tập được nhiều kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, dịch vụ homestay...
Các nhân viên đang làm việc tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh tham gia Lớp tập huấn kỹ năng truyền thông quảng bá du lịch điểm đến trên mạng xã hội do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. |
Chị HJi Bkrông (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) là một thành viên tham gia chương trình chia sẻ: “Chuyến đi đã thay đổi nhận thức của tôi và nhiều thành viên khác. Nhất là việc làm du lịch cộng đồng thì cả cộng đồng được hưởng lợi, cùng nhau chia sẻ lợi ích của các hộ dân trong buôn. Mỗi điều trải nghiệm dù nhỏ nhặt cũng là kinh nghiệm, bài học quý giá để tôi ứng dụng và triển khai làm homestay, chung tay phát triển du lịch cộng đồng của buôn Tơng Jú”.
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu thông tin thêm, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp cùng các đơn vị mở thêm nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, thái độ phục vụ chuyên nghiệp cho lao động đang làm việc tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, điểm, khu du lịch để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách nội địa và quốc tế.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc