Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch “Nhà thám hiểm hoang dã”: Hướng đến bảo vệ động vật rừng

10:22, 28/04/2024

Chiến dịch “Nhà thám hiểm hoang dã Wilderness Explorers” do Công ty Choice và tổ chức phi lợi nhuận WildAid triển khai vào cuối tháng 4/2024 trên các kênh truyền thông xã hội chính thức của Hoa hậu H’Hen Niê.

Với khẩu hiệu “Khám phá, đừng tàn phá - Nói không với thịt rừng” hướng đến mục tiêu giảm thiểu thực trạng tiêu thụ thịt rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã thông qua việc phổ biến hình thức du lịch bền vững và nhân văn, thân thiện với động vật rừng.

Cùng các nghệ sĩ nói “không” với thịt rừng

Chiến dịch có tham gia của Hoa hậu H'Hen Niê với vai trò đại sứ, cùng các khách mời thiện chí là các nghệ sĩ: diễn viên Diễm My 9x; các ca sĩ Hà Nhi, Anh Tú, SSay Huỳnh và người dẫn chương trình (MC), nhà sáng tạo nội dung Dustin Phúc Nguyễn.

Các nghệ sĩ cùng tham gia quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên Việt Nam tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tuyệt đẹp nhằm thúc đẩy hình thức du lịch thân thiện với động vật theo format gameshow truyền hình thực tế được dẫn dắt bởi Hoa hậu H’Hen Niê.

Ở tập 1, các nghệ sĩ Hà Nhi, SSay Huỳnh và Dustin Phúc Nguyễn sẽ cùng các khán giả qua màn ảnh nhỏ hòa mình vào thế giới hoang dã tại Vườn Quốc gia Cát Tiên với nhiều chặng thử thách cam go và thú vị như: Truy tìm rương kho báu gốc cây tung cổ thụ, ngắm nhìn thú hoang dã về đêm…

Sang tập 2, các khán giả sẽ theo chân Anh Tú và Diễm My khám phá núi rừng kỳ thú tại Vườn Quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long qua những thử thách không kém phần gay cấn như: săn ảnh voọc mông trắng, vượt tơ nhện gốc cây trăm năm, bí ẩn động Người xưa…

 
Các nghệ sĩ tham gia Chiến dịch “Nhà thám hiểm hoang dã”.

Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ sự quan tâm đặc biệt đối với hình thức du lịch bền vững: “H’Hen có cơ hội được đi rừng nhiều và H’Hen nhận thấy khu bảo tồn, vườn quốc gia nào cũng có giá trị riêng. Khi chúng ta tôn trọng núi rừng thì giá trị của thiên nhiên hoang dã mới được nâng tầm. Hy vọng là với các chuyến đi rừng, ngoài những bức ảnh và kỷ niệm thì chúng ta sẽ không lấy đi bất cứ giá trị nào của thiên nhiên, của động vật hoang dã”.

Tập 1 được phát sóng vào ngày 21/4 và tập 2 vào ngày 28/4 trên kênh Youtube H'Hen Nie Official lúc 20 giờ.

Không chỉ ghi hình những chuyến tham quan ngắm cảnh, các tập phim còn xoáy sâu vào những trải nghiệm thực tế của các nghệ sĩ tại các vườn quốc gia nhằm khơi gợi tình yêu thiên nhiên và động vật hoang dã của các khán giả.

Qua đó, các khán giả quan tâm đến động vật hoang dã cũng có thể ký cam kết nói “không” với thịt rừng và bảo vệ động vật hoang dã tại website https://choicevn.com/noi-khong-voi-thit-rung/.

Nhờ đó, cộng đồng cũng có thể chung tay với các nghệ sĩ giảm thiểu tác động tàn khốc của nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ thịt rừng cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã, góp phần bảo vệ động vật rừng khỏi bờ vực tuyệt chủng.

Bảo tồn động vật hoang dã kết hợp phát triển du lịch bền vững

Việt Nam được đánh giá là một trong những “điểm nóng” trung chuyển và tiêu thụ thịt rừng cùng các sản phẩm từ động vật hoang dã khác.

Theo chuyên gia của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), có đến 4.000 tấn thịt rừng được buôn bán bất hợp pháp qua thị trường Việt Nam và ước tính nước ta tiêu thụ hơn 2.000 tấn thịt rừng hằng năm.

Theo khảo sát của WWF và Globescan (2021), 14% người Việt đã mua thịt rừng và sản phẩm từ động vật hoang dã trong 12 tháng gần nhất và 20% người Việt “rất có khả năng hoặc có khả năng” mua các sản phẩm từ động vật hoang dã trong tương lai.

Xu hướng phát triển du lịch sinh thái và du lịch dựa vào thiên nhiên đã bắt đầu được quan tâm tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Cả nước ta có gần 14,8 triệu ha rừng, đang tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của Việt Nam hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho các hoạt động du lịch trải nghiệm, khám phá và nghỉ dưỡng thu hút du khách trong và ngoài nước.

Để phát triển du lịch bền vững, nhiều trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn... đã và đang hướng đến việc kết hợp bảo tồn động vật hoang dã.

Song song với hoạt động bảo tồn động thực vật rừng, các vườn quốc gia như Vườn Quốc gia Cát Tiên và Vườn Quốc gia Cúc Phương đã triển khai những hoạt động trải nghiệm và giáo dục về động vật hoang dã, qua đó giúp du khách phổ cập kiến thức về các loài và góp phần bảo vệ thiên nhiên nơi đây.

Bên cạnh đó, hình thức du lịch thân thiện với động vật cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm tại nước ta, điển hình là mô hình du lịch thân thiện với voi tại Đắk Lắk.

Nhiều dự án đã được triển khai để chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi và nâng cao phúc lợi của voi, chuyển đổi sang các hình thức khác như cho voi ăn, chụp hình cùng voi…

Choice và WildAid hy vọng có thể nhân rộng thông điệp du lịch thân thiện với động vật không chỉ ở loài voi mà cả nhiều loài động vật hoang dã khác nữa.

Choice là một công ty không vì lợi nhuận, được thành lập tại Việt Nam, cung cấp các giải pháp và dịch vụ thiết thực, hiệu quả về mặt chi phí trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông môi trường và tư vấn phát triển bền vững, dành cho cả khối phi lợi nhuận và vì lợi nhuận.

WildAid là một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. WildAid tập trung chủ yếu vào giảm thiểu nhu cầu và việc tiêu thụ trên toàn cầu đối với các sản phẩm động vật hoang dã, như ngà voi, sừng tê giác và vi cá mập, thông qua các chiến dịch truyền thông và hỗ trợ việc thắt chặt các quy định và tăng cường thực thi pháp luật. Với sự tham gia của các đại sứ là các nhân vật nổi tiếng và một mạng lưới các đối tác truyền thông trên toàn cầu, WildAid huy động được sự hỗ trợ của các đối tác với giá trị truyền thông hơn 230 triệu đô la mỗi năm với thông điệp: “Không có người mua, không còn kẻ giết”.

 

Trần Trung Sáng
 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.