Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Chủ động dạy học thích ứng với điều kiện thực tế

08:25, 23/09/2021

Năm học 2021 - 2022, huyện Cư Kuin có 56 trường học các cấp, với khoảng 781 nhóm, lớp và gần 22 nghìn học sinh. Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn huyện hiện chỉ có một trường trong "vùng xanh" đủ điều kiện dạy học trực tiếp, các trường còn lại phải áp dụng phương pháp dạy gián tiếp.

Theo Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin, thời gian sau ngày khai giảng đến trước ngày 15-9, các trường tập trung xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp với diễn biến của dịch bệnh tại địa phương… Qua khảo sát cho thấy, ở khối tiểu học chỉ có trên 50% và khối THCS có gần 80% tổng số học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. Số học sinh còn lại học theo các hình thức như qua truyền hình, giao bài tại nhà…

Trên thực tế, việc triển khai học gián tiếp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp sẽ bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh cũng như giáo viên, cán bộ quản lý… Tuy nhiên, việc học gián tiếp, nhất là với hình thức trực tuyến thì các trường gặp rất nhiều thách thức do đời sống kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, đặc biệt đối với  học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số không đủ điều kiện trang bị máy tính, điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet. Thêm vào đó, chất lượng đường truyền Internet tại một số vùng chưa ổn định; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của học sinh tiểu học còn nhiều hạn chế, nhất là học sinh lớp 1…

Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu giảng bài tại phòng học trực tuyến của trường.

Trước tình hình ấy, các địa phương và trường học đều nỗ lực, chủ động khắc phục những khó khăn trước mắt, triển khai các phướng án phù hợp với điều kiện thực tế.

Đơn cử như Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (xã Ea Bhốk) đã đưa ra phương án linh hoạt là chia thời gian biểu của các khối lớp theo khung giờ nhất định, giữa các khối lớp không có sự trùng lặp giờ học. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, giáo viên và gia đình trong việc học online.

“Theo đó, dù nhà có hai con hoặc nhiều hơn cùng học tại trường, với các khối lớp khác nhau thì cũng chỉ cần một máy tính hoặc điện thoại thông minh là đủ phục vụ việc học cho các em. Gia đình không phải lo lắng về khoản kinh phí mua sắm máy đầy đủ cho mỗi cháu học, đồng thời giáo viên và học sinh cũng đỡ bị căng thẳng khi ngồi trước màn hình vì các lớp không học quá 3 tiết mỗi buổi”, thầy Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trường nhà trường chia sẻ.

Năm học này, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu có 532 học sinh thì có 382 học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. Do đó, nhà trường đã áp dụng nhiều phương pháp dạy học như: dạy trực tuyến kết hợp với giao bài; hướng dẫn học tập qua điện thoại, mạng Zalo, trên truyền hình...

Giáo viên soạn giảng trên các định dạng khác nhau như file Word, PowerPoint, E-Learning; sử dụng các bài giảng có sẵn trên mạng  Internet như kho bài giảng E-Learning của Bộ GD-ĐT… được điều chỉnh phù hợp với học sinh của trường.

Bên cạnh đó, giáo viên còn hướng dẫn học sinh xây dựng thời khóa biểu môn học phù hợp với nội dung bài học được phát sóng trên kênh VTV7 của Đài Truyền hình Việt Nam và các kênh truyền hình của địa phương, của các tỉnh, thành khác để hướng dẫn học sinh theo dõi, học tập. Đối với các em trong vùng bị phong tỏa, nhà trường thực hiện giao bài theo hình thức phối hợp với chính quyền địa phương của từng thôn, buôn và giáo viên có trách nhiệm giao và nhận bài của học sinh.

Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ đang tập huấn về sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến.

Hay tại xã Cư Êwi, toàn xã có 5 trường học (1 trường THCS, 2 trường tiểu học và 2 trường mẫu giáo), với tổng số 1.592 học sinh, trong đó có 722 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo hướng dẫn của Phòng GD-ĐT huyện, hiện tại các trường trên địa bàn xã đều tổ chức học gián tiếp. Tuy nhiên, do điều kiện địa phương còn khó khăn nên các thầy cô phải đến tận thôn, buôn giao bài cho học sinh, không yêu cầu các em phải lên trường nhận bài. Khó khăn là vậy, nhưng với tinh thần, trách nhiệm của mình, các thầy cô hoàn thành tốt phương án dạy học này.

Thầy Lê Xuân Lam, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (xã Cư Êwi) cho hay, toàn trường có 398 học sinh, trường phân công cho giáo viên, nhân viên phụ trách địa bàn cụ thể, phối hợp với ban tự quản thôn, buôn thành lập địa điểm giao nhận bài, các em sẽ đến lấy (2 điểm/thôn, buôn). Dù vất vả vì nhiều thôn, buôn cách xa điểm trường 5 – 6 km, đường sá đi lại khó khăn song các thầy cô không quản ngại khó khăn, tất cả đều chia sẻ với học sinh và thấy có động lực khi các em hoàn thành tốt những bài tập được giao.

Hiện tại, nhà trường đang phối hợp với Viettel lắp đặt và hướng dẫn sử dụng phần mềm học online cho giáo viên, nhằm đề phòng trường hợp chưa thể dạy trực tiếp trong thời gian tới thì nhà trường sẽ triển khai thêm phương án dạy online để thuận lợi cho các em tiếp thu bài tốt hơn.

Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin đã chỉ đạo các trường rà soát, lựa chọn phương án dạy học phù hợp và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Đồng thời, các trường cũng chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu học trực tiếp để trong thời gian tới, khi dịch bệnh được khống chế thì sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.