Gian nan hành trình "gieo chữ" vùng sâu (kỳ 1)
Những giáo viên “mang chữ lên non” ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như Nam Ka, Ea R’bin (huyện Lắk) vốn đã lắm bấp bênh, thử thách; nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến công tác giảng dạy và học tập hầu như bị xáo trộn, hành trình “gieo chữ” ấy lại gian nan, gập gềnh hơn bao giờ hết.
Kỳ 1: "Chênh vênh" trường lớp vùng sâu
Những năm gần đây, mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng khá cơ bản, song hạ tầng giáo dục ở một số trường học trên địa bàn huyện Lắk vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Đường vào buôn Lách Ló, xã Nam Ka (huyện Lắk) - nơi đứng chân điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng. |
Điểm trường giữa rừng đặc dụng
Một ngày cuối tháng 9, theo chân hai cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, chúng tôi có dịp “mục sở thị” điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đứng chân tại buôn Lách Ló, xã Nam Ka. Trên quãng đường dài khoảng 15 km từ trung tâm xã Nam Ka đến điểm trường này, có đến nửa chặng đường phải đi bộ vì đường đèo dốc, trơn trượt.
Anh Phạm Văn Phú, kiểm lâm viên ở xã Nam Ka cho biết, đây là một trong những điểm trường khó khăn nhất và có ít học sinh nhất của xã Nam Ka nói riêng, huyện Lắk nói chung. Mùa khô việc đi lại đã khó khăn, mỗi khi mưa đến thì chấp nhận đi bộ hoặc “cắm buôn” trong này. Đường đến điểm trường phần lớn là những lối mòn, nhiều con dốc dựng đứng, xe máy phải "độ" xích mới vượt qua được quãng đường từ trung tâm vào buôn Lách Ló.
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Ea R’bin, huyện Lắk) trên đường vận động học sinh tới trường. |
Sau hơn một giờ “cuốc bộ”, điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng dần xuất hiện trước mắt. Đó là một nhà cấp 4 nằm lọt thỏm giữa rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, chỉ vỏn vẹn có hai phòng học cho khối lớp 1 và khối lớp 3. Thời điểm chúng tôi có mặt trúng dịp khối tiểu học chưa học tập trung nên ngôi trường im lìm vắng bóng. Nếu không có cán bộ kiểm lâm chỉ dẫn thì không thể nhận ra đó là một điểm trường bởi không có biển gắn tên trường.
Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lắk cho biết, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 44 trường học, với tổng số 613 phòng học, trong đó 347 phòng học kiên cố, 257 phòng học bán kiên cố và 9 phòng mượn tạm. Với 1.226 cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, trong đó một số điểm trường ở xã vùng sâu, vùng xa như Nam Ka, Ea R’bin, Đắk Nuê, nhu cầu ở nhà công vụ của giáo viên khá cao, trong khi số lượng nhà công vụ còn ít và chưa đáp ứng về diện tích, chất lượng. |
Theo thầy Y Krang Pang Pế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, điểm trường lẻ Tiểu học Nơ Trang Lơng tại buôn Lách Ló có từ năm 2004, với một phòng học dựng bằng gỗ ghép. Đến năm 2019 mới được xây dựng và tu sửa lại thành nhà cấp 4 kiên cố. Năm học 2021 - 2022, điểm trường có 16 học sinh, gồm 7 học sinh lớp 1 và 9 học sinh lớp 3. Để duy trì các lớp học tại đây, trường bố trí một giáo viên vừa giảng dạy, vừa quản lý học sinh.
Thư viện làm... nhà công vụ
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất lớp học, nhu cầu về nhà công vụ cho cán bộ, giáo viên ở các điểm trường tại các xã Nam Ka, Ea R’bin cũng thiếu thốn trăm bề.
Đóng tại địa bàn xã Ea R’bin, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự có 18 cán bộ, giáo viên, trong đó có 11 giáo viên xa nhà phải ở nhà công vụ. Tuy nhiên, hiện tại trường chỉ có 3 phòng công vụ, mỗi phòng khoảng 20 m2, là nơi sinh hoạt của 3 giáo viên sau giờ giảng dạy, 2 giáo viên còn lại phải mượn tạm phòng thư viện để làm nhà công vụ. Vào dạy hợp đồng tại trường hơn một năm nay, nhà ở tận xã Yang Tao, cách điểm trường đang dạy hơn 60 km, hai cô giáo H’Xuân Mlô và H’Saly Long Ding không thể sáng tối đi về. Song nhà công vụ tại trường không đáp ứng đủ cho giáo viên nên hai cô phải mượn phòng thư viện ở tạm. Phòng tạm, phòng mượn chật chội nên mọi đồ dùng, vật dụng hai cô đều phải hạn chế mua sắm. Ở đây, việc sinh hoạt cá nhân hết sức bất tiện, khu vực tắm rửa cũng phải tận dụng khu nhà vệ sinh của học sinh tại trường. Cô giáo H’Saly Long Ding tâm sự, do nhà xa nên hai cô phải ở lại nhà công vụ tạm bợ. Cuộc sống của giáo viên hợp đồng, lương "ba cọc ba đồng" nên còn nhiều chật vật. Tá túc ở nơi này tuy có phần vất vả, nhưng bớt được một khoản lớn chi phí xăng xe đi lại.
Tận dụng phòng kho cũ kĩ làm phòng công vụ của giáo viên Trường Mầm non Hoa Phượng. |
Nằm cạnh Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, tại Trường Mầm non Hoa Phượng, những giáo viên xa nhà cũng phải chật vật với nơi nghỉ ngơi sau mỗi buổi đến lớp. Trường có 10 giáo viên thì có hai giáo viên xa nhà nên phải ở lại. Nơi tá túc của hai giáo viên này được tận dụng từ một phòng kho cũ kĩ, lụp xụp với những mảng tường bong tróc, rêu bám chằng chịt. Chiếc giường, nơi ngả lưng sau mỗi tối soạn bài của hai cô giáo được dựng nên từ vài tấm gỗ mỏng, chân giường là những viên gạch kê tạm. Cô giáo H’Bin Hlong bộc bạch, nhà kho này có từ mấy chục năm trước, mọi thứ trong căn phòng này đều đã xuống cấp. Song có còn hơn không, bởi ở một xã vùng sâu, vùng xa này, muốn thuê một phòng để ở cho đàng hoàng cũng không dễ gì kiếm được. Những ngày mưa to, gió lớn, căn phòng dột tứ bề, nước men theo bờ tường chảy xuống ướt sũng nền nhà, đồ dùng, vật dụng đều ẩm mốc. Cô và đồng nghiệp chỉ mong rằng, chính quyền địa phương các cấp sớm xem xét xây nhà công vụ cho giáo viên xa nhà để có nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi sau mỗi giờ đứng lớp, để an tâm công tác giảng dạy và gắn bó lâu dài với trường.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Nhọc nhằn đi tìm con chữ
Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc