Multimedia Đọc Báo in

Vui, buồn... chuyện học online

09:30, 16/10/2021

Chung quanh chuyện học online, có những vui buồn, bất cập nhất định, nhất là ở bậc tiểu học, nhưng dẫu sao, đây cũng là một trải nghiệm thú vị, đáng nhớ cho cả thầy và trò.

Con trai tôi học lớp 3. Chuẩn bị cho chương trình học chính thức, trong nhóm Zalo của lớp, cô giáo gửi link, hướng dẫn phụ huynh cài đặt ứng dụng Google Meet, đăng nhập lớp học và cài phần mềm Classroom để theo dõi bài tập cô giao, nộp bài về nhà…

Một buổi học online của học sinh bậc tiểu học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

7 giờ 30 mỗi ngày, buổi học mới bắt đầu nhưng từ 7 giờ, đã có nhiều học sinh vào lớp. Trước mỗi buổi học 15 phút, cô vào lớp để khởi động lớp học, kiểm tra kết nối của tất cả học sinh trong lớp, thử micrô tương tác… Nhiều thao tác cô giáo đã chỉ dẫn cụ thể, các em lại quên ngay sau đó, vì vậy không hiếm trường hợp học sinh vào lớp trễ do chưa đăng nhập được. Trong nhóm Zalo của lớp, không ít lần phụ huynh cũng “nháo nhào” bởi không phải ai cũng có thể hỗ trợ thao tác máy tính nhanh nhẹn cho con trước khi vào lớp học. Cô giáo vừa dạy, vừa kiêm luôn “phụ đạo” về công nghệ thông tin, hướng dẫn phụ huynh ấn nút này, nút kia để đăng nhập, cách thức mở link lấy bài tập và chụp ảnh đính kèm tệp tin nộp bài.

Lớp con trai tôi học có một cô giảng chính và một thầy phụ giảng. Thầy giám sát, liên tục nhắc về tác phong ngồi học của học sinh, việc tắt - bật micrô trong buổi học như: “B.A. đi đâu rồi?”, “D.K. bật webcam lên nào”, "T.K. tắt micrô", “em K.A. ngồi ngay ngắn lại, không tì vào bàn”...

Dạy online có những hạn chế, nhất là việc quan sát học sinh. Có em ngồi học nhưng tắt hết webcam, micrô… để làm việc khác. Có trẻ lại "lén" mở hai cửa sổ riêng biệt cùng lúc: một cửa sổ để cô giáo giảng bài, một cửa sổ để... xem Youtube. Có em lại hồn nhiên chạy nhảy trong phòng, không chịu ngồi yên để học bài... “Cô đã ghim màn hình trên máy cô và nhìn thấy tất cả các em, ai làm gì trong giờ học cô đều biết. Cho nên, ngồi học phải nghiêm túc, tập trung”, thi thoảng, cô giáo chủ nhiệm lớp con tôi nhắc lại câu nói trên để kiểm soát học sinh của mình.

Học trực tuyến, mỗi em ngồi một nơi, thầy trò chỉ tương tác với nhau qua màn hình máy tính nên có nhiều câu chuyện hài hước. Một số em mất tập trung, tự ý rời khỏi lớp học để… đi uống nước. Trong lúc giáo viên đang say sưa với bài giảng thì có em lại chen ngang: “Xin cô cho em đi vệ sinh”. Lúc khác có em bật micrô “tố cáo” nhìn thấy bạn ăn quà vặt trong lớp, một lát sau có em thoát khỏi màn hình, cô giáo truy ra thì rụt rè: "Thưa cô, con đi lấy khăn giấy… lau mũi". Thậm chí, do phải nghỉ học lâu để phòng dịch, trẻ đâm ra nhớ trường, nhớ lớp nên thường tranh thủ trò chuyện với bạn sau nhiều ngày không gặp, thành ra lớp học đôi lúc cũng như… chợ vỡ.

Dần mọi việc có vẻ suôn sẻ hơn. Cô giáo giảng bài, học sinh tương tác tốt, giơ tay bằng biểu tượng, trả lời trôi chảy các câu hỏi, dù cũng phải mất thời gian để thao tác trên máy, bật micrô… Lớp học lại rộn ràng tiếng dò bài, trả lời của cô và trò.

Hơn ba tuần học online của “năm học đặc biệt” là chừng đó thời gian nhóm Zalo phụ huynh “ngập" tin nhắn hơn bao giờ hết. Trong đó, có cả những âu lo, than thở, hỏi han nhau về những điều “không bình thường” của con với môi trường học trực tuyến. Chúng tôi nhắc nhở nhau, dặn các con cách sử dụng cơ bản thiết bị công nghệ, dạy trẻ cẩn thận, an toàn với thiết bị điện khi ở nhà học một mình. Rồi động viên nhau cùng dỗ dành, động viên để lấy lại hứng thú học cho con trẻ khi bị mất đi niềm vui của một lớp học bình thường.

Cùng con học online, chúng tôi hiểu ra một điều, sự thay đổi hình thức học tập buổi ban đầu bao giờ cũng gây ra không ít khó khăn, xáo trộn. Nhưng nếu nhìn một cách điềm tĩnh trong cảm thông, hợp tác với giáo viên, nhà trường thì cũng tìm ra được giải pháp phù hợp để thích ứng, giúp con em mình vừa an toàn phòng dịch, vừa có được tiết học hiệu quả.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.