Multimedia Đọc Báo in

Nẻo đường đến lớp… online

15:27, 25/11/2021

Cách đây vài năm, khi có ý kiến cho rằng phải tăng học phí thì chất lượng giáo dục Việt Nam mới nâng lên được, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu rằng chất lượng giáo dục hoàn toàn không phải tùy thuộc vào học phí cao hay thấp. Suy cho cùng, một nền giáo dục thành công là thầy tâm huyết truyền đạt tri thức, trò chuyên chú tiếp nhận và thực hành.

Bỗng nhớ trường làng đi học. Trường làng là nơi nhận ra sự bình dị rất mực của các thầy cô giáo trong trường. Buổi sáng các thầy cô đến lớp, trang phục chỉnh tề, tươm tất nhưng buổi chiều có thể nhận ra thầy cô cũng là những người nông dân cuốc đất, kéo cày, gánh lúa trên bờ hói, bờ sông. Vậy mà hình ảnh thầy giáo, cô giáo không hề nhỏ đi trong mắt học trò và cả phụ huynh.

Năm xưa đó, học trò cấp hai trường làng chúng tôi thiếu giấy viết trầm trọng. Chúng tôi sáng chế ra nhiều cách để có giấy học: ngâm giấy đã viết vào nước vôi rồi đem phơi, viết đợt một bằng bút chì rồi viết đợt hai bằng bút mực... Tôi có sáu quyển vở thì hết năm là qua “sơ chế” nước vôi, chỉ có quyển vở làm văn là giấy kẻ ngang mới, có hằn mấy sợi rơm... Một chiều, cô chủ nhiệm đưa cho tôi tập giấy hóa đơn có một mặt trắng tinh, mặt kia chỉ vài đường sọc, không biết cô kiếm ở đâu ra, cô nói cho tôi về làm giấy viết. Tôi cầm tập giấy trên tay đi trên đường làng mà tự nhiên nước mắt rơi trên má…

Năm tháng trôi qua, những chuyện đó trẻ con bây giờ nghe như là cổ tích.

Thế hệ học sinh của thế kỷ mới ngồn ngộn sách vở, thông tin, ngụp lặn trong áp lực bài vở, thi đua, điểm và xếp hạng. Trẻ con đi học không phải tòng teng vài cuốn vở như xưa, mà cả một ba lô nặng trịch sách và vở. Lưng trẻ cong vì gùi sách nặng, trán lấm tấm mồ hôi và nụ cười dần lắng đi sau các trang sách vở…

Học sinh Trường THCS và THPT Đông Du học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Như Quỳnh
Học sinh Trường THCS và THPT Đông Du học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Như Quỳnh

Rồi dịch bệnh COVID-19 ập đến, học đường đã khác xưa nay càng khác hơn. Ngày khai giảng, không còn cảnh những cậu bé được mẹ dắt tay đến trường như trong “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Khai giảng năm học 2021 - 2022, sân trường vắng hoe, chỉ một mình cô hiệu trưởng đứng phát biểu khai giảng trước camera. Các cô cậu học trò nhận ra lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục Việt Nam và tất nhiên, cả thế giới, chúng khai giảng, đến trường bằng… mạng Internet.

Không còn nữa cảnh “mẹ âu yếm dắt tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp”, mà nay là mẹ (bố) ngồi hướng dẫn cho cậu bé lớp một cách mở điện thoại, laptop để vào zoom học cùng lớp. Mỗi khi mạng “rớt” là cả nhà loay hoay tìm cách nối lại cho cậu học trò nhỏ.

Việc học trực tuyến còn rất nhiều hạn chế, bất cập, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, không thể nào khác hơn. Bởi đã có nhiều trường học vừa tổ chức học tập trung được một hai hôm, F0 xuất hiện, vậy là cả lớp phải đi cách ly, cả trường phải đóng cửa, ngắt quãng việc học hoàn toàn.

Giáo dục online xuất hiện thật sự là một cuộc thực hành giáo dục hoàn toàn mới. Nhiều cô cậu mộng mơ, học online thì tất tần tật sẽ nằm trong một chiếc máy tính bảng gọn gàng, chúng không còn mang vác nặng nhọc nữa… Các phần mềm giáo dục đã cho thấy công nghệ đang dần thay thế công việc của người thầy ngày một nhiều hơn. Người thầy trong giáo dục online phải là người hướng dẫn học trò trên con đường tiếp cận “ma trận” tri thức.

Một trong những cái khó của nẻo đường đến lớp online là có những học trò nghèo không mua nổi cái điện thoại “cùi” để vào zoom học cùng bạn bè. Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện với mục đích hỗ trợ máy tính cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang lan tỏa ngọn lửa ân tình ấm áp. Để giúp học sinh THCS ở vùng sâu tỉnh Đắk Lắk thuận lợi trong học trực tuyến, nhiều nơi đã vận động, hỗ trợ tặng điện thoại thông minh cho học sinh.

Tôi nhớ hình ảnh em gái H'Mit Knul, học sinh lớp 8B Trường THCS Ngô Mây, huyện Cư M’gar đứng trước ngôi nhà vách ván, lợp tôn cũ nát của mình. Trên tay em là chiếc điện thoại thông minh mà thầy Mai Văn Chuyền thay mặt giáo viên trong trường vừa tặng. H'Mit Knul nghẹn ngào: “Em xúc động vô cùng khi nhận chiếc điện thoại. Em sẽ chăm chỉ học hành…”.

Tôi hiểu nỗi lòng của H'Mit Knul. Bỗng nhớ năm xưa, nước mắt tôi đã rơi trên đường làng khi cầm trên tay tập giấy hóa đơn của cô giáo.

Chao ôi tấm lòng của người thầy, bao giờ cũng như bóng cây đa biết cúi xuống, cho đời trẻ thơ được dịu mát trước giông bão cuộc đời…

Thanh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Đắk Lắk góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Cùng với phát triển sản xuất, các doanh nghiệp này đã quan tâm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động, đây chính là động lực giúp công nhân yên tâm lao động. ​​​​​​​