Multimedia Đọc Báo in

Thêm cơ hội đến trường cho học sinh khó khăn

07:51, 04/01/2022

Với mục tiêu không có học sinh nào phải nghỉ học vì nghèo khó, Hội Khuyến học huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho học sinh.

Gia đình ông Nguyễn Đức Vinh ở thôn Tiến Thịnh 3, xã Quảng Tiến là một trong những gia đình khó khăn đã được hỗ trợ từ chương trình khuyến học khuyến tài địa phương. Nhờ có sự quan tâm của Hội Khuyến học các cấp, ba người con của ông Vinh được miễn học phí, có sách vở để đi học.

Ông Vinh bày tỏ, gia đình ông sống chung với bố mẹ nhiều năm nay và thuộc hộ nghèo của xã. Năm 2020, ông mua được mảnh đất nhỏ tại thôn Tiến Thịnh và dựng căn nhà gỗ hơn 10 m2 để ở riêng. Bản thân ông mắt kém, vợ lại bị bệnh tiểu đường không làm được việc nặng, gia đình không có nương rẫy, nguồn thu nhập dựa vào việc làm thuê làm mướn khiến cuộc sống càng khó khăn. Cái ăn lo chưa đủ nên các con của ông cũng thiệt thòi, luôn đối mặt với nguy cơ phải bỏ học.

Rất may mắn, gia đình ông đã nhận được sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền: thường xuyên được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cần thiết; được tặng máy tính, bàn học; con ông được tặng sách vở, quần áo đầu năm học. Đặc biệt là từ đầu năm 2020, Bưu điện huyện Cư M’gar nhận đỡ đầu, hỗ trợ mỗi tháng 300.000 đồng cho ba cháu là Nguyễn Thị Hằng (SN 2007), Nguyễn Đức Viễn (SN 2010), Nguyễn Thị Ngọc Diệp (SN 2015).

Em Nguyễn Đức Viễn và Nguyễn Thị Ngọc Diệp thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến học trực tuyến bằng máy tính được tặng.

Em H’Wit Byã học lớp 2A, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Ea Pốk) được Hội Khuyến học địa phương hỗ trợ thông qua Chương trình “Cặp lá yêu thương”. Cô Lưu Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A cho biết, em H’Wit Byã ở buôn Ea Sút (thị trấn Ea Pốk) là một trong những học sinh đặc biệt. Mẹ mất sớm, bố bỏ đi, em ở với dì, hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà trường và Hội Khuyến học thị trấn đã kết nối với các nhà hảo tâm đễ hỗ trợ trực tiếp cho em mỗi tháng 200.000 đồng từ năm học 2018 - 2019 đến nay.

Bà Trần Thị Vui, Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Ea Pốk cho biết, bản thân là một giáo viên về hưu nên bà luôn cố gắng kết nối, tạo sự lan tỏa phong trào khuyến học khuyến tài tại địa phương. Để huy động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động này, Hội cố gắng tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của học sinh, xác minh từ nhà trường, chính quyền địa phương nơi học sinh cư trú. Qua đó, hội kết nối, tìm kiếm nhà tài trợ để hỗ trợ các em từ quà tặng là quần áo, sách vở, xe đạp… đến tiền mặt.

Chương trình “Cặp lá yêu thương” được Hội Khuyến học huyện phối hợp với các đơn vị liên quan, nhà tài trợ thực hiện từ năm 2017. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho hơn 100 học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ông Trần Đình Thanh, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cư M’gar cho biết, đây là một trong những hoạt động khuyến học nổi bật của huyện khi tạo được sự kết nối trực tiếp từ nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đến từng học sinh; việc kết nối kéo dài nhiều năm hướng đến mục tiêu hỗ trợ tiền mặt hằng tháng để các em có thêm chi phí trang trải cuộc sống và thêm động lực tiếp tục đến trường, hoàn thành chương trình học phổ thông.

Cô Lưu Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Ea Pốk) hướng dẫn em H’Wit Byã làm bài tập.

Hoạt động khuyến học khuyến tài được Hội Khuyến học huyện Cư M’gar triển khai thích ứng với điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức hội các cấp đều dành kinh phí hằng năm để khen thưởng cho con em hội viên đạt thành tích cao trong học tập và hỗ trợ kịp thời cho con em hội viên diện khó khăn… Ông Trần Đình Thanh chia sẻ thêm: Số lượng hội viên đông, đa dạng thành phần đã tạo được sự lan tỏa sâu rộng cho phong trào khuyến học khuyến tài địa phương. Mọi nguồn lực hỗ trợ khuyến học đều được kết nối trực tiếp từ nhà tài trợ đến các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh. Các cấp hội chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa các nhà hảo tâm và người được hỗ trợ nên tạo được lòng tin và sự đồng thuận của nhà tài trợ. Việc huy động nguồn lực thực hiện chương trình khuyến học khuyến tài luôn được duy trì và phát triển, giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện để tiếp tục đến trường.

Năm 2021, Quỹ Khuyến học huyện Cư M’gar đã vận động gần 5,2 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa để hỗ trợ trực tiếp cho học sinh, giáo viên thông qua việc mua sắm quần áo, xe đạp, sách vở…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.