Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Dạy và học thích ứng với tình hình dịch bệnh

08:24, 23/02/2022

Sau một thời gian triển khai dạy và học gián tiếp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh từ lớp 7 trở lên trên địa bàn huyện Cư Kuin đã trở lại trường học trực tiếp.

Bảo đảm các điều kiện để học trực tiếp

Nhìn chung học sinh đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, chủ động thực hiện theo các khuyến cáo, hướng dẫn của ngành y tế.

Em Y Săm Hruê, học sinh lớp 7 (ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cư Kuin cho hay, gặp lại thầy cô, bạn bè sau thời gian dài nên em rất vui, trước khi bước vào lớp học ai cũng được đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, quá trình học đeo khẩu trang và ngồi giãn cách. Việc hạn chế tiếp xúc giữa các lớp trong giờ ra chơi cũng được thầy cô thường xuyên nhắc nhở. Việc tuân thủ các quy định phòng dịch giúp em cảm thấy yên tâm hơn khi đến trường.

Khi học trực tuyến, gia đình hoàn cảnh khó khăn không có phương tiện học tập, em H’Dũng Byă (học sinh lớp 9, ở buôn H’ra Ea T’lá, xã Dray Bhăng) rất lo lắng cho năm học cuối cấp. Trở lại lớp học, H’Dũng tận dụng thời gian tích lũy, ôn luyện kiến thức. H’Dũng tâm sự: “Để bảo vệ sức khỏe, trước khi vào lớp, chúng em đều rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trong suốt thời gian học, các lớp học đều được mở cửa sổ, tạo không khí thoáng đãng, khu vực ăn, ở của học sinh cũng được dọn dẹp, khử khuẩn sạch sẽ, chúng em rất yên tâm với môi trường học tập này”.

Học sinh Trường THCS Việt Đức rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp.

Bà Ngô Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú  THCS huyện Cư Kuin cho biết, năm học 2021 - 2022, toàn trường có 158 học sinh bậc THCS. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện về việc dạy và học trực tiếp, trước khi học sinh trở lại trường, Trung tâm Y tế huyện đã phun khử khuẩn tất cả các lớp học và khu ký túc xá, đồng thời tiến hành sàng lọc, kiểm tra sức khỏe cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường đều đã tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong quá trình dạy học trực tiếp. Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu học sinh giảm thiểu tối đa việc ăn uống tập trung, không giải quyết cho bất kỳ trường hợp học sinh, phụ huynh học sinh, người lạ ra vào trường, trừ trường hợp đặc biệt. 

Chủ động các phương án dạy học

Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Cư Kuin, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 56 trường học từ mầm non đến THCS, với 781 nhóm, lớp và gần 22.000 học sinh. Tất cả các trường đã chính thức tổ chức dạy và học trở lại theo hình thức trực tiếp từ ngày 7/2 trong điều kiện bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, trước tình hình số ca nhiễm bệnh trong cộng đồng tăng cao, UBND huyện đã chỉ đạo tạm dừng học trực tiếp đối với cấp mầm non, tiểu học và khối lớp 6 trên địa bàn huyện từ ngày 22/2.

Để bảo đảm môi trường học tập an toàn, Phòng GD-ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành nhiều văn bản trên cơ sở cụ thể hóa các văn bản của cơ quan chức năng và tùy tình hình diễn biến dịch trên địa bàn huyện; trong đó chú trọng việc xây dựng các phương án khi có tình huống dịch bệnh xảy ra trong lớp học. Đồng thời quán triệt và chỉ đạo các trường học nghiên cứu, thực hiện tốt Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học theo Quyết định số 379/QĐ-UBND, ngày 14/2/2022 của UBND tỉnh.

Một tiết học môn Tiếng Êđê của thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Cư Kuin.

Sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, phòng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tổ chức dạy học trực tiếp tại các trường học. Qua kiểm tra, hầu hết các trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về chuyên môn theo khung kế hoạch, thời gian năm học 2021 - 2022 và thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản về phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện đã chỉ đạo UBND huyện, Phòng GD-ĐT huyện ban hành các văn bản hướng dẫn các trường học xây dựng kế hoạch, kịch bản, giải pháp, củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để chủ động chuyển sang hình thức dạy học khác khi tình huống dịch bệnh xảy ra, đồng thời chủ động bảo đảm công tác y tế học đường với mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sức khỏe cho thầy và trò.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.