Trải nghiệm nghiên cứu khoa học từ bậc phổ thông
Hoạt động ngoại khóa trong trường học được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng, trong đó có các dự án mang tính nghiên cứu khoa học (NCKH), khoa học gắn với thực tiễn, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh phổ thông.
Em Trần Nguyên Khang, học sinh lớp 9A6 (Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory) có sở thích kinh doanh từ nhỏ và đã từng trải nghiệm kinh doanh quần áo. Do đó, khi tham gia câu lạc bộ STEM của trường, được thông báo về Cuộc thi khoa học kỹ thuật và khởi nghiệp, em đã cùng các bạn trong câu lạc bộ lên ý tưởng, lựa chọn đề tài để nghiên cứu, xây dựng dự án.
Dưới sự hướng dẫn của cô Trần Thị Tuyết Nhung, giáo viên môn Hóa học của trường, các em đã thành lập nhóm 5 người thực hiện dự án “Sản xuất Trà túi lọc từ phụ phẩm trái ngô”. Dự án đã đạt giải Ba khối phổ thông tại Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV (SV-Startup) do Bộ GD-ĐT chủ trì tổ chức tại tỉnh Vĩnh Phúc ngày 27/3.
Sản phẩm từ dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của học sinh Trường THCS, THPT Đông Du. |
Nguyên Khang hồ hởi bày tỏ: “Trải nghiệm vui nhất, nhớ nhất, ý nghĩa nhất đối với các thành viên khi thực hiện đề tài là lần lượt đạt giải cao tại cuộc thi các cấp và vinh dự tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Qua đó, chúng em được gặp gỡ, giao lưu với những người bạn mới đến từ các tỉnh thành khác trên cả nước. Chúng em có cơ hội học được kỹ năng làm việc nhóm, cách phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bạn theo sở trường gắn với mỗi lĩnh vực đại diện cho từng nghề nghiệp cụ thể như sản xuất, marketing, kế toán, chăm sóc khách hàng… Từ đó, hình thành mô hình sản xuất, kinh doanh hoàn thiện. Đặc biệt là kỹ năng lắng nghe, ghi nhận, tiếp thu ý kiến góp ý, đánh giá của người khác về cách thuyết minh, sản phẩm, dịch vụ của mình và hình thành những ý tưởng cải thiện sản phẩm khi đưa ra kinh doanh trên thị trường”.
“Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động giáo dục trong nhà trường (giáo dục trải nghiệm, STEM, tổ chức NCKH và sáng tạo kỹ thuật, khởi nghiệp sáng tạo) để học sinh có cơ hội trải nghiệm; đồng thời củng cố, nâng cao cơ sở vật chất, phương tiện dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học”. TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết |
Em Vi Thị Thu Hà, học sinh lớp 11A1 và Đào Huỳnh Duy An, lớp 12A5 (Trường THCS, THPT Đông Du) là đồng tác giả dự án “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” đã xuất sắc giành giải Nhất và lọt vào top 7 dự án đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 tại Mỹ. Thu Hà chia sẻ rằng, từ thực tế tại địa phương, nhận thấy những khó khăn trong quá trình chế biến chanh dây của bà con nông dân, em nảy sinh ý tưởng tạo ra máy hút dịch chanh dây để giúp đỡ bà con. Duy An thì giỏi tiếng Anh và yêu thích cơ khí chế tạo. Do đó, cả hai đã tìm tòi, nghiên cứu kiến thức từ nhiều nguồn, cùng giáo viên hướng dẫn đưa ra các phương án lập trình chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động. Dựa trên nguyên lý cắt vát mặt và tách dịch bằng lực hút, chiếc máy với hai máng dẫn có thể cắt chiết được 60 kg quả chanh dây/giờ, hiệu suất hút sạch đạt từ 95 - 98%, dịch chanh dây không bị lẫn tạp chất của vỏ. Đặc biệt là chi phí tạo ra chiếc máy chỉ khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các máy móc cùng chức năng đang bán trên thị trường.
Sản phẩm trà từ ngô của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory. |
Duy An cho hay, chiếc máy đang là loại nguyên mẫu, muốn đạt những kết quả cao hơn thì phải có sự điều chỉnh, cải tiến để máy có thể hoạt động tự động hoàn toàn; ứng dụng thêm trí thông minh nhân tạo trong phân loại chất lượng chanh dây, loại bỏ trái lỗi (hư hại, sâu bệnh…) trước khi đưa vào tiến hành hút dịch.
Theo TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, NCKH đối với học sinh phổ thông không chỉ là sân chơi trí tuệ hữu ích mà còn giúp các em thỏa sức đam mê ở lĩnh vực mà mình yêu thích; kết nối tri thức được học với thực tiễn cuộc sống và sớm hình thành tư duy nghề nghiệp cho các em. Đồng thời, từng bước đổi mới chất lượng giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện hiệu quả việc dạy học liên môn, tăng cường rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, phát huy sự sáng tạo của học sinh...
Không thể phủ nhận những lợi ích thiết thực của hoạt động NCKH từ bậc phổ thông, tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án kéo dài mà bản thân các em lại còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào gia đình. Do đó, một số em phải sắp xếp lại lịch học mới có thể bảo đảm được tiến độ dự án và chương trình học tại trường.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc